Trong buổi hội thảo đóng góp ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) tại Hà Nội, ngoài những vấn đề được coi là “sốt dẻo” của BHYT, các đại biểu còn quan tâm nhiều đến vấn đề tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến BHYT. GS.Nguyễn Lân Dũng – với tư cách là đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk – đã không khỏi băn khoăn khi nhận được câu hỏi từ một cử tri ở vùng đất đỏ bazan: “Tại sao tôi tham gia BHYT mà cả năm không nhận được viên thuốc nào?”.
Thôi thì có thể viện cái lý do muôn thủa, đầy khách quan là vì trình độ dân trí còn hạn chế nên chưa hiểu hết được chủ trương, chính sách nhân đạo, “lo xa” của Đảng và Nhà nước khi cho triển khai BHYT. Nhưng nói người cũng phải ngẫm đến ta, nếu công tác tuyên truyền về chính sách BHYT làm tốt thì liệu người dân có phải vấn vương xem mình có bị thiệt thòi không khi “đóng tiền BHYT mà cả năm không phải đi khám bệnh”?.
Nói thế là có người không đồng tình vì đã tuyên truyền đến tận thôn, xóm rồi, có pano, áp phích rồi, loa xã, phường nói ra rả về BHYT toàn dân rồi, sao lại nói không tuyên truyền? Hoá ra vấn đề không phải là làm hay không mà làm như thế nào để cả những người dân “chân lấm tay bùn” cũng có thể hiểu được tính xã hội cao cả của việc đóng BHYT. Vốn dĩ đóng BHYT không phải là “góp tiền rồi lấy thuốc” hàng năm, mà là mỗi người một ít, khi khoẻ mạnh đóng góp cho quỹ BHYT, để phòng khi không may ngã bệnh thì đã có quỹ BHYT hỗ trợ tiền khám chữa bệnh. Nếu mình không dùng đến thì biết đâu người thân, bạn bè hay một ai đó trong xã hội cần thì cũng đỡ cho người bệnh rất nhiều.
Đấy đơn giản thế thôi mà nhiều người vẫn chưa hiểu, chưa mặn mà với BHYT. Suy đến cùng chẳng phải lỗi của dân mà chính là vì công tác tuyên truyền chưa làm cho chính sách BHYT “thấm” đến từng người dân. Thế mới hay, không phải cứ tuyên truyền mạnh, tuyên truyền nhiều là được, mà cốt lõi là cách tuyên truyền phải đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống, thậm chí nôm na thôi thì chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước mới đi vào cuộc sống./.
Huy Long