Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN: hoàn tất nội dung trình Hội nghị lần thứ 7 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN

18/10/2008
Bế mạc Hội nghị lần thứ 12 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN: hoàn tất nội dung trình Hội nghị lần thứ 7 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN
Hội nghị lần thứ 12 quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM 12) đã diễn ra trong các ngày 17-18/10/2008 tại Brunei Darussalam với sự tham dự của các đoàn đại biểu 10 nước thành viên. Đại diện của Dự án về chống buôn bán người khu vực ASEAN cũng tham dự cuộc họp với tư cách là khách mời quan trọng.

ASLOM 12 là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ của Hội nghị  lần thứ 7 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN do Cơ quan Tổng Công tố Brunei Darussalam đăng cai, nhằm chuẩn bị các nội dung trình lên Hội nghị lần thứ 7 Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM 7).  Đoàn Việt Nam gồm các cán bộ liên ngành tư pháp, ngoại giao, công an, kiểm sát, do đồng chí Lê Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp  đã tham dự và hoạt động tích cực tại  Hội nghị.

Tại hội nghị ASLOM 12, quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN đã xem xét các vấn đề chính được thảo luận và thông qua tại các ASLOM 10 và ALAWMM 6 (tổ chức tại Việt Nam năm 2005) cũng như tại ASLOM 11 (tổ chức tại Campuchia năm 2006). Các nước thành viên đã trình bày báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung về 1) Cập nhật Danh bạ các Cơ quan pháp luật của các nước ASEAN (Brunei Darussalam); 2) Xây dựng Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (Malaysia); 3) Báo cáo về Diễn đàn pháp luật ASEAN (Việt Nam/ Singapore); 4) Báo cáo về việc trao đổi các đoàn khảo sát của các quan chức pháp luật ASEAN; 5) Chương trình của các quan chức pháp luật ASEAN (ASEC);  6) Xây dựng cơ quan thông tin pháp luật ASEAN (ALIA); 7)  Xây dựng Công ước ASEAN về chống khủng bố (ASEAC); 8) Báo cáo về cuộc họp điều phối cộng đồng an ninh ASEAN (ASCCO) (ASEC); 7) Xây dựng  các Hiệp định khu vực/tiểu khu vực về hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự:  Hiệp định dẫn độ (Malaysia); 8) Xây dựng Luật mẫu về an ninh hàng hải (Malaysia) và; 9) Tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa các nước thành viên ASEAN (Việt Nam). 

Phần thứ hai của Hội nghị được dành để các đại biểu rà soát, thống nhất lại các vấn đề đã đề xuất và thảo luận tại ASLOM 11 như việc 1) Thành lập các nhóm công tác ASLOM về xem xét biện pháp hài hoà hoá pháp luật thương mại ASEAN và Nhất thể hoá pháp luật về hợp pháp hoá giấy tờ (Indonesia/Singapore); 2) Thoả thuận ASEAN về bảo vệ môi trường biển và bờ biển (Malaysia); 3) Đề án về tăng cường sự tham gia của các thành viên vào mạng lưới thông tin (đề xuất của Campuchia /ASEC). 

Ngoài ra, ASLOM 12 cũng đã thảo luận tích cực về việc mở rộng vai trò và nhiệm kỳ của Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN, so sánh với Quy chế của Cộng đồng ASEAN (ASEC); khả năng đào tạo về chính sách tư pháp hình sự đối với vấn đề buôn bán người cho các thẩm phán và công tố viên ASEAN và một số vấn đề khác. Hội nghị cũng ghi nhận và khuyến nghị lên Hội nghị Bộ trưởng  Tư pháp việc nâng cao vai trò của Ban Thư ký ASEAN trong quá trình điều phối hoạt động về hợp tác pháp luật và tư pháp để đảm bảo kế hoạch triển khai được hiệu quả. 

Đoàn Việt Nam tham dự ngay từ phiên họp đầu tiên của ASLOM 12 và đã có những đóng góp tích cực trong suốt quá trình Hội nghị, bao gồm cả việc trình bày các Báo cáo của Việt Nam; tham gia soạn thảo và hoàn tất các Văn kiện của ASLOM trình Hội nghị Bộ trưởng.  Trưởng đoàn Việt Nam tham dự ASLOM 12, Ông Lê Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp đã có bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị. Ngoài ra, trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã  trình bày báo cáo tiến độ triển khai Đề án/đề  xuất về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại (Đề án) và kết quả Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 về tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại giữa các nước ASEAN (Diễn đàn) do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội tháng 4.2008.  Đây là Đề án tổng thể, đề cập đến sự cần thiết phải mở rộng tương trợ tư pháp về dân sự, trao đổi thông tin, tăng cường nhận thức giữa các nước ASEAN, đào tạo bồi dưỡng về pháp luật dân sự thương mại. Về lâu dài, cùng với việc tăng cường hợp tác liên kết kinh tế thương mại, xây dựng cộng đồng ASEAN thì việc tăng cường tương trợ tư pháp về vấn đề này là rất cần thiết. Trong đề án tổng thể do Việt Nam đề xuất tại ALAWMM 6, có đề nghị bắt đầu bằng việc tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại, trong đó trọng tâm chính là các nội dung về  Miễn hợp pháp hoá giấy tờ công vụ và Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp. 

Các đại biểu tham dự đã thảo luận và thống nhất cao với đánh giá của Việt Nam về thành công của Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4 về Tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại (Diễn đàn) do Bộ Tư pháp Việt Nam đăng cai tổ chức tháng 4.2008 vừa qua. Theo diễn tiến và những nội dung đã thảo luận và thống nhất tại Diễn đàn thì hầu hết các nước ASEAN và các chuyên gia quốc tế tham dự đều nhận thấy trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, cách thức ngắn nhất, thuận tiện và hiệu quả nhất là tham gia các Công ước đa phương La-hay về các hình thức tương trợ khác nhau, trong đó có Công ước về Miễn trừ hợp pháp hoá giấy tờ công vụ nước ngoài và Công ước về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp.  Hội nghị đã  thống nhất ghi nhận các nội dung đã thảo luận tại Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, các nước thành viên và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế tiếp tục triển khai những kết luận của Hội nghị; cập nhật và thông tin thường xuyên tiến độ  hoạt động mà các nước thành viên đang tiến hành nhằm hoàn thiện và phát triển cơ chế tương trợ tư pháp  về dân sự và thương mại; khuyến khích việc tổ chức các diễn đàn pháp luật ASEAN chuyên sâu về tư pháp quốc tế,  thúc đẩy việc hài hoà hoá pháp luật thương mại, dân sự, tố tụng quốc tế giữa các nước thành viên, tiến tới hình thành thể chế và thiết chế tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN với nhau và với thế giới, góp phần trực tiếp thúc đẩy thương mại trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn cầu. 

ASLOM 12  cũng nhất trí trình lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 7 kiến  nghị của Nhóm Công tác của Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN  đề xuất việc giao Hội nghị Bộ trưởng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các hội nghị hợp tác chuyên ngành khác trong ASEAN và Hội luật gia ASEAN xây dựng chương trình hợp tác nhằm tăng cường hệ thống pháp luật, tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền

Hội nghị đã thống nhất thời gian và địa điểm tổ chức các ASLOM và ALAWMM tiếp theo. Cụ thể, Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Indonexia vào năm 2010; ASLOM 14 và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Campuchia vào năm 2011. 

Sau 2 ngày đêm làm việc tích cực, khẩn trương và sôi nổi (ngoài các phiên họp toàn thể diễn ra vào ban ngày, buổi tối, tại Hội nghị vẫn diễn ra các cuộc họp của Nhóm soạn thảo văn kiện để kịp thời hoàn tất nội dung), Hội nghị đã thảo luận và đạt được sự đồng thuận về mọi vấn đề có liên quan và thông qua báo cáo của ASLOM 12. Dựa trên các nội dung đã thống nhất tại Hội nghị, ngày mai -19/10, các đoàn đại biểu sẽ phối hợp cùng Ban Thư ký ASEAN tiếp tục hoàn tất các văn kiện của ASLOM 12 để trình Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 7, nhóm họp vào 2 ngày tiếp theo 20 và 21/10/2008 cũng tại Banda Seri Begawan, thủ đô của  Brunei Darussalam. 

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp  

_________________________________________ 

Các bài viết có liên quan: