Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN 12 thông qua kiến nghị của Nhóm Công tác ASEAN về hài hoà hoá pháp luật thương mại

18/10/2008
Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN 12 thông qua kiến nghị của Nhóm Công tác ASEAN về hài hoà hoá pháp luật thương mại
Trước thềm Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM) 12 và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN, ngày 16/10/2008, tại Brunei Darussalam đã diễn ra cuộc họp của Nhóm Công tác ASEAN về hài hoà hoá pháp luật thương mại.

Lần họp này, đại diện 10 nước thành viên đã tập trung thảo luận chủ đề hài hoà hoá pháp luật trọng tài quốc tế. Nhóm đã trình lên ASLOM 12 kiến nghị về hài hoà hoá pháp luật trọng tài quốc tế, nhằm từng bước góp phần hoàn thiện khung pháp luật kinh tế, thương mại giữa các nước ASEAN. Các kiến nghị sau đây của Nhóm công tác đã được Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN lần thứ 12 thảo luận và nhất trí thông qua ngay tại phiên họp đầu tiên, diễn ra ngày hôm nay, 17/10/2008 tại Brunei Darussalam. 

1. Các nước ASEAN nên cân nhắc áp  dụng Luật Mẫu  của UNCITRAL về trọng tài quốc tế (Luật Mẫu); 

2. Việc các quốc gia thành viên ASEAN sửa đổi các quy định trong Luật Mẫu của Uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) trong quá trình áp dụng vào pháp luật nước mình cần được cân nhắc kỹ càng để không  làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của Luật Mẫu của UNCITRAL về trọng tài; 

3. Cần thành lập một Ban Tư vấn nhằm hỗ trợ các nước thành viên ASEAN tiếp cận và áp dụng Luật Mẫu của UNCITRAL về trọng tài quốc tế. Các quy định cụ thể về việc thành lập Ban Tư vấn, thành phần, nhiệm kỳ hoạt động, quy chế làm việc…của thiết chế này sẽ được Nhóm công tác tiếp tục xem xét và kiến nghị; 

4. Các nước thành viên nên tham gia Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành quyết định của trọng  tài nước ngoài;  (Công ước New York); 

5. Các nước thành viên nên xem xét việc thường xuyên cập nhật, rà soát pháp luật nước mình, thủ tục và thực tiễn thi hành Công ước New York, nhằm bảo đảm sự thống nhất, hài hoà giữa  pháp luật quốc gia  và quốc tế trong lĩnh vực trọng tài; 

6. Các quốc gia thành viên ASEAN cần tạo mọi điều kiện nâng cao nhận thức cho các thẩm phán, cán bộ tư pháp, pháp luật tham gia công tác hoạch định, thi hành chính sách và pháp luật trọng tài, thi hành các quyết định trọng tài về các nguyên tắc, quy định của pháp luật quốc tế về trọng tài và thi hành quyết định trọng tài; 

7. Trước thềm các Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN, nên tổ chức các cuộc họp về hài hoà hoá pháp  luật thương mại để các nước thành viên có điều kiện cập nhật các tiến độ và kết quả việc hoàn thiện pháp luật trong nước và quốc tế trong lĩnh vực trọng tài và thi hành quyết định trọng tài.   

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp   

_________________________________________ 

Các bài viết có liên quan: