ASLOM 12 xem xét và thông qua một phần Sáng kiến mới về tự do hoá thương mại dịch vụ pháp lý giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

18/10/2008
ASLOM 12 xem xét và thông qua một phần Sáng kiến mới về tự do hoá thương mại dịch vụ pháp lý giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Hôm nay, 18/10/2008, Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN 12 (ASLOM 12) diễn ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN đã xem xét và thông qua một phần Sáng kiến của Brunei Darussalam về tự do hoá thương mại dịch vụ pháp lý giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

 

1. Tóm tắt Sáng kiến của Brunei Darussalam

Tự do hoá thương mại dịch vụ pháp lý giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là Sáng kiến duy nhất được trình ra ASLOM 12 lần này. Đề xuất của Brunei Darussalam gồm 3 phần, khá chặt chẽ về cơ sở pháp lý, bối cảnh, phân tích vấn đề và các kiến nghị cụ thể về cách thức và lộ trình thực hiện. Về cơ sở pháp lý, Brunei đã liệt kê một loạt các công cụ pháp lý cơ bản của ASEAN, khẳng định sự cần thiết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ (Hiệp định Khung ASEAN về thương mại dịch vụ và 9 văn bản khác về các chính sách kinh tế liên quan đến thương mại dịch vụ). Hiện tại các nước ASEAN đã ký kết 7 hiệp định/ thoả thuận công nhận thương mại dịch vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ kỹ sư, kiến trúc, hộ lý, khảo sát/ nghiên cứu và gần đây nhất là dịch vụ kế toán, kiểm toán, hành nghề y và nha khoa. Các thoả thuận về công nhận dịch vụ đã đặt ra các nguyên tắc chính  và khung khổ cho việc đàm phán các Hiệp định song phương/ đa phương về dịch vụ kế toán/ kiểm toán giữa các nước thành viên ASEAN, trong khi thoả thuận trong lĩnh vực hành nghề y học và nha khoa lại nhằm thu hút các bác sỹ y học và nha khoa có tay nghề cao trong các nước ASEAN. Mục đích của các Thoả thuận công nhận dịch vụ là nhằm công nhận tiêu chuẩn hành nghề dịch vụ, đề xuất giảm thiểu hoặc loại bỏ các yêu cầu về dịch vụ nghề nghiệp mà một chuyên gia muốn thực hiện tại một quốc gia thành viên ASEAN khác. Thoả thuận về công nhận dịch vụ pháp lý đã được đề cập đến lần đầu tiên tại cuộc họp lần thứ 42 của Uỷ ban Điều phối dịch vụ ASEAN (năm 2005), nhưng sau đó bị từ chối vì lý do còn nhiều khác biệt về ngôn ngữ và hệ thống pháp luật giữa các quốc gia ASEAN. Đề xuất tại thời điểm đó của Uỷ ban điều phối dịch vụ ASEAN là các quốc gia cần hài hoà hoá pháp luật (về dịch vụ pháp lý) trước khi trình ra Uỷ ban Điều phối dịch vụ ASEAN xem xét.

Các quốc gia ASEAN đều ý thức được rằng việc ký kết thoả thuận về công nhận dịch vụ pháp lý, trong đó có việc công nhận tiêu chuẩn luật sư nước ngoài sẽ phức tạp hơn các lĩnh vực khác do đặc thù của loại hình nghề nghiệp này, đặc biệt là trong điều kiện còn có nhiều khác biệt về hệ thống pháp luật giữa các thành viên ASEAN. 

Tuy nhiên, theo Brunei Darussalam, cho dù trên thực tế còn tồn tại những khó khăn nhất định, các quốc gia ASEAN vẫn nên tiếp tục thảo luận các phương thức hài hoà hoá các nội dung khác của dịch vụ pháp lý, ví dụ như việc thoả thuận chấp nhận luật sư nước ngoài được phép tư vấn pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật quốc tế tại nước mình. Cũng theo đề xuất của Brunei Darussalam, tại thời điểm trước mắt, các nước ASEAN sẽ chỉ cần nhất trí để đạt được những nội dung cơ bản, trên cơ sở đó sẽ đàm phán để đạt được thoả thuận cao hơn về mặt quy định, tiêu chuẩn và hình thức, nhằm tiến tới tự do hoá dịch vụ pháp lý trong tương lai giữa các quốc gia ASEAN.

Trên cơ sở phân tích nội dung Sáng kiến, cân nhắc bối cảnh tình hình, Brunei Darussalam đã đề xuất trình ASLOM 12 lộ trình các hoạt động lâu dài và trước mắt nhằm đạt được tự do hoá dịch vụ pháp lý giữa  các quốc gia ASEAN. 

Các hoạt động lâu dài cần tiến hành bao gồm:  

-    Các quốc gia chỉ định cơ quan  đầu mối để thiết lập quan hệ với Hội luật gia hoặc Hiệp hội Luật sư toàn quốc (tuỳ theo thiết chế của từng quốc gia); 

-    Tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN về tự do hoá dịch vụ pháp lý, với sự tham gia của đại diện quan chức pháp luật của các quốc gia ASEAN và các Hội luật gia/ Hiệp hội luật sư của từng nước; 

-    Mời các diễn giả của Hội luật gia/ Hiệp hội luật sư của các nước Châu Âu sang chia sẻ kinh nghiệm về quá trình thực hiện tự do hoá dịch vụ pháp lý tại Châu Âu; 

-    ASLOM cần thiết lập quan hệ chính thức với Hội luật gia ASEAN nhằm thảo luận về chủ đề tự do hoá dịch vụ pháp lý và nhiều nội dung khác; 

-    Các nước thành viên ASEAN cần xúc tiến việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về hệ  thống pháp luật của nước mình (việc hành nghề dịch vụ pháp lý, các quy định, tiêu chuẩn hành nghề v.v…). Nên thành lập Nhóm công tác ASEAN để thực hiện các nội dung nêu trên. Nhóm này có thể hoạt động dưới sự bảo trợ/ giám sát của ASLOM, hoặc cũng có thể được  thành lập và hoạt động trong khuôn khổ Uỷ ban điều phối lĩnh vực dịch vụ của ASEAN; 

-    Một trong các yêu cầu về minh bạch hoá bao gồm việc công bố các tiêu chuẩn và điều kiện cho việc đăng ký hành nghề dịch vụ pháp lý tại các nước ASEAN;  

Các hoạt động trước mắt cần tiến hành:  

-    Thông qua quan hệ điều phối được thiết lập với các Hội luật gia ASEAN, cần tham khảo ý kiến của thiết chế này về vấn đề tự do hoá dịch vụ pháp lý nói chung, và nhận xét của họ về ảnh hưởng/ tác động của quá trình này đối với các nước ASEAN nói riêng; 

-    Các quốc gia thành viên cần nâng cao nhận thức cho Hội luật gia/ Hiệp hội luật sư về vấn đề tự do hoá dịch vụ pháp lý, những thuận lợi và thách thức mà họ sẽ được hưởng từ kết quả tự do hoá dịch vụ này…; 

-    Xúc tiến việc tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN về chủ đề tự do hoá dịch vụ pháp lý. Diễn đàn sẽ là cơ hội cho không chỉ quan chức Chính phủ, mà cả những luật sư của các nước thành viên thảo luận kỹ hơn về các khía cạnh của vấn đề này; 

-    Các quan chức pháp luật các nước ASEAN cần giữ mối quan hệ chặt chẽ với những nhà đàm phán thương mại để cập nhật các thông tin về việc triển khai tự do hoá dịch vụ pháp lý. Ngoài mối quan hệ với các nhà đàm phán thương mại của các nước ASEAN, còn cần thiết thiết lập và duy trì quan hệ với các nhà đàm phán thương mại của các nước đối thoại của ASEAN; -    Triển khai nghiên cứu Nghị quyết có liên quan của Liên minh Châu Âu về tự do hoá dịch vụ pháp lý nhằm tham khảo kinh nghiệm áp dụng cho khu vực ASEAN.  

2. Nội dung được ASLOM 12 thảo luận và thông qua 

Đề xuất của Brunei Darussalam được thảo luận khá kỹ tại Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp lần này.  Các nước ASEAN đều thống nhất rằng tự do hoá dịch vụ pháp lý trong ASEAN là cần thiết và có cơ sở, do chế định này đã được quy định khá đầy đủ trong các công cụ pháp lý quan trọng đã ký kết giữa các thành viên ASEAN. Về cơ bản ASLOM bày tỏ thiện chí hợp tác và ủng hộ ý tưởng chính trong Sáng kiến của Brunei Daussalam. Tuy nhiên các nước ASEAN cũng cho rằng đây là nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, lĩnh vực quản lý khác nhau, nên cần phải có sự nghiên cứu, thảo luận và thống nhất thêm với các thiết  chế có liên quan của từng quốc gia trước khi có những quyết định chính thức. Tại ASLOM lần này, đại diện các nước ASEAN nhất trí thông qua chỉ một phần đề xuất của Brunei Darussalam, cụ thể là việc tổ chức Diễn đàn đối tác pháp luật nhằm thảo luận kỹ hơn về các khía cạnh của vấn đề tự do hoá dịch vụ pháp lý giữa các quốc gia ASEAN. Dự kiến Brunei Darussalam, với tư cách là quốc gia đề xuất Sáng kiến, sẽ chủ trì việc tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN về chủ  đề này trong thời gian sớm nhất.   

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

_________________________________________ 

Các bài viết có liên quan: