Hội nhập WTO và những ảnh hưởng đến công tác tuần tra, kiểm soát trên biển

17/10/2008
Dưới tác động của kinh tế hội nhập, thị trường hàng hoá phát triển, chính sách giảm thuế trên một số mặt hàng và sự “phá bỏ” hàng rào thuế quan, dẫn đến các hoạt động xuất, nhập khẩu được đẩy mạnh và diễn ra sôi động hơn; cùng với việc phát triển kinh tế biển, hoạt động vận tải biển được coi trọng và phát triển mạnh mẽ là điều kiện và cơ hội cho hoạt động buôn lậu gian lận thương mại, vận chuyển buôn bán, hàng giả qua biên giới bằng đường biển gia tăng. Trong đó, hàng giả, hàng nhái là vấn đề được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới, là một trong những cam kết của Việt Nam khi trở thành viên của WTO.

Theo kết quả đấu tranh của các lực lượng đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trong những năm qua cho thấy tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, với số lượng lớn và đa dạng hàng hoá. Những mặt hàng nhập lậu qua đường biển chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại, vải, hàng điện tử đã qua sử dụng, vật liệu xây dựng, khoáng sản. Hàng hoá xuất lậu thường là khoáng sản như than, quặng, động thực vật quý hiếm, gỗ. Hàng giả, hàng nhái không rõ xuất sứ hàng hoá thường là hàng xa xỉ phẩm, phấn son … Hàng hoá trốn thuế như linh kiện máy móc kỹ thuật, ô tô, hoá chất, dược liệu, thuốc y tế, …Hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra trên các vùng biển, biển phía Bắc, biển miền trung và vùng biển Tây Nam. Thủ đoạn buôn lậu trên biển của các đối tượng hết sức đa dạng, tinh vi, xảo quyệt như: Các đối tượng sử dụng tàu lớn vận chuyển hàng lậu, hàng cấm về khu vực ven cá đảo xa bờ biển của Việt Nam trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng có thẩm quyền tiến hành sang mạn cho các tàu nhỏ. Đối với buôn lậu xăng dầu trên một số vùng biển thì các đối tượng lợi dụng vào sự chênh lệnh giá giữa Việt Nam và các nước, tiến hành các hoạt động sử dụng tàu cá đánh bắt xa bờ, các tàu có giấy phép kinh doanh xăng dầu trên biển vận chuyển khối lượng lớn xăng dầu ra ngoài khơi hoặc vượt qua biên giới biển bán cho các phương tiện của nước ngoài.

Khu vực biển phía Bắc, hoạt động buôn lậu hàng hoá từ Trung Quốc về Việt Nam diễn biến rất phức tạp, tập trung chủ yếu tại khu vực biển tỉnh Nghệ An. Hàng hoá chủ yếu gồm : Tivi, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy hút bụi, vải, quặng titan, sắt, xăng dầu, hàng điện tử đã qua sử dụng. Thủ đoạn của các đối tượng cũng hết sức tinh vi và đa dạng như: các tàu chở hải sản sang Trung Quốc bán, khi trở về, hàng lậu cất giấu vào vách ngăn, két treo, hầm hàng nhiều tầng… một số tàu lấy hàng tại cảng Phòng Thành (Trung Quốc), hành trình theo tuyến hàng hải dọc theo kinh độ 1080 N, sau đó chuyển hướng chạy cắt vào khu vực biển tỉnh Nghệ An, đến điểm đã hẹn trước sang mạn hàng cho các tàu nhỏ. Hoặc hành vi buôn lậu của các tàu viễn dương như vụ Biên đội tàu 4002 Cảnh sát biển bắt tàu Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 30/9/2005 tàu này đã chở lượng hàng lậu lớn trị giá hàng tỉ đồng từ nước ngoài về Việt Nam .

Gần đây hiện tượng xuất lậu than từ Quảng Ninh, quặng từ Thanh hoá, và các tỉnh lân cận sang Trung Quốc diễn ra phức tạp, tinh vi. Các chủ hàng lợi dụng chính sách thu gom khoáng sản, quyết định thanh lý hàng hoá để chế biến, xuất khẩu, đã dùng thủ đoạn vận chuyển đến các cảng gần biên giới Trung Quốc, khi có cơ hội vận chuyển qua biên giới xuất lậu ra nước ngoài, dẫn đến công tác đấu tranh chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn.

Tại khu vực biển miền trung diễn ra một số hoạt động buôn lậu dầu, hàng cấm vẫn diễn ra. Đặc biệt nổi lên ở khu vực này là tình trạng tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền đánh bắt trộm hải sản, sự xâm phạm chủ quyền của các hoạt động thăm dò, nghiên cứu dầu khí.

Tại vùng biển Tây Nam, tình hình buôn lậu xăng dầu, gỗ quý, thuốc lá, hàng giả không rõ xuất xứ ... diễn ra rất phức tạp, tập trung chủ yếu tại các khu vực biển thuộc thị xã Hà Tiên, thị trấn Ba Hòn, Phú Quốc, Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang)

Thuận lợi trong công tác thực thi pháp luật trên biển đó là, một số văn bản Luật của Quốc hội như Luật An ninh quốc gia, Luật Biên giới quốc gia, Luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Điều tra hình sự,… đều đã quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển như Cảnh sát biển, Biên Phòng, Hải quan, thuế,….Đối với lực lượng Cảnh sát biển, ngày 26/01/2008, UBTVQH khoá 12 đã thông qua Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thay thế Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam 1998. Theo đó, đã giao cho lực lượng Cảnh sát biển rất nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và được hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam. Chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Cảnh sát biển được đảm bảo hơn, nên đã yên tâm trong thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, vùng biển rộng, có nhiều đảo, bán đảo gần bờ nên bọn buôn lậu dễ đưa tàu vận chuyển hàng lậu vào ẩn nấp, sau đó sang mạn cho các tàu nhỏ để phân tán hàng hoá đưa đi tiêu thụ. Hoạt động buôn lậu trên biển có tính chất, quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ. Thành phần tham gia cũng đa dạng, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo và duy trì trật tự an toàn xã hội trên biển. Mặt khác, điều kiện địa lý biển nước ta, và việc xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải chưa hoàn chỉnh là những yếu tố gây bất cập cho lực lượng tuần tra, kiểm soát thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên biển trong điều kiện hội nhập WTO của Việt Nam hiện nay và quá trình hội nhập, luôn có những diễn biến mới, phức tạp hơn quyết liệt hơn.

Hiện nay, với biên chế tổ chức, trang bị, phương tiện của lực lượng đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và trong Bộ quốc phòng nói riêng còn yếu và thiếu. Nhất là, đối với lực lượng Cảnh sát biển, Biên Phòng là một trong các lực lượng trực tiếp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên biển đòi hỏi nâng cao hiệu quả đấu tranh trong quá trình hội nhập là hết sức cần thiết. Mặt khác, kinh nghiệm đấu tranh, trình độ, khả năng nhận biết hàng giả, hàng nhái vận chuyển, lưu thông trên biển của cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả còn hạn chế và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại còn nhiều bất cập trong việc chia sẻ thông tin, bảo mật thông tin, thiết lập các tổ liên ngành đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại. Chế độ, chính sách khuyến khích cho lực lượng trực tiếp đấu tranh chưa nhiều và chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trên biển.

Khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO thì các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước sẽ diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi, kéo theo kinh tế vận tải biển, cảng biển và ngành đóng tàu phát triển. Hoạt động xuất nhập cảnh người và phương tiện gia tăng; hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá gia tăng. Vì, theo đánh giá thì vận tải bằng đường biển là một loại hình vận tải được ưa chuộng hơn vận tải bằng đường không và đường bộ vì chi phí rẻ và vận chuyển được khối lượng hàng hoá lớn phù hợp với các tính toán thương mại. Nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu lớn, nhu cầu của các thương nhân, đơn vị kinh tế nước ngoài đến với thị trường Việt Nam và từ Việt Nam đi thị trường các nước tăng. Các diễn biến và tác động trên tiềm ẩn cơ hội cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái xuyên quốc gia phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Hoạt động buôn lậu ngày càng tinh vi, thành phần tham gia buôn lậu chuyên nghiệp hơn, có sự tiếp tay móc nối của các doanh nghiệp, có sự bảo kê của một số cán bộ biến chất trong các cơ quan nhà nước. Thủ đoạn cơ bản là lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý mặt biển, trong công tác xuất nhập khẩu để vận chuyển hàng lậu. 

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, với mô hình quản lý Nhà nước tổng hợp trên biển hiện nay, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng quản lý Nhà nước trên biển, cần thiết:

Ban hành, sửa đổi những Bộ Luật, Luật, Quy chế, Quy định của Việt Nam cho các tàu nước ngoài hoạt động trên biển Việt Nam phù hợp với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như phải bảo đảm được an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển.

Đề nghị nâng Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thành Luật xử lý vi phạm hành chính và Luật lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam để đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc cho các lực lượng hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

Xây dựng Quy trình tuần tra, kiểm soát cụ thể cho lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển trình Chính phủ ban hành để thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trận tự an toàn và bảo đảm việc thực thi pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam mà Việt Nam là thành viên.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế của lực lượng trực tiếp lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian  lận thương mại trên biển; đồng thời cần đầu tư trang bị về phương tiện và các trang bị nghiệp vụ khác nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời kỳ hội nhập;

Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ nghiệp vụ điều tra, kiến thức cơ bản về kinh kế, các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, năng lực kiểm soát hàng giả, hàng nhái, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, vi tính đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời kỳ Việt Nam hội nhập. Tăng cường quan hệ giao lưu với Cảnh sát biển và lực lượng tuần tra trên biển của các nước trong khu vực và thế giới.

Tăng cường mật độ tuần tra, kiểm soát, giám sát của các lực lượng chức năng trên các vùng biển, tập trung vào những vùng biển có nhiều khả năng xảy ra các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, những vùng biển có mật độ tàu thuyền vận chuyển hàng hoá lớn, những luồng, tuyến hàng hải mà lượng tàu bè giao thương giữa Việt Nam với các nước lớn.  

Nguyễn Giang Đông - Phòng Pháp Luật - Cục Cảnh sát biển