Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đến năm 2010, nước ta sẽ thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, vì thế, hệ thống pháp luật cũng phải theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội để đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cấp độ cao hơn. Thế nhưng, hiện hệ thống pháp luật của nước ta còn cồng kềnh, khó tiếp cận; có nhiều quy định mâu thuẫn, trùng lắp, chồng chéo; nhiều văn bản lạc hậu không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế...
Tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật là dịp để xem xét, đánh giá lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tất cả các chủ thể có thẩm quyền ban hành trong một thời gian nhất định, trên phạm vi toàn quốc nhằm công bố các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, phát hiện và xử lý những văn bản, quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia.
Kết quả Tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sẽ đưa ra được danh mục văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, hết hiệu lực, danh mục văn bản phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, huỷ bỏ,…từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và củng cố quốc phòng, an ninh.
Điểm khác nhau cơ bản giữa Tổng rà soát với thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá là ở quy mô và quy trình thực hiện. Nếu thường xuyên rà soát là hoạt động hàng ngày được thực hiện ở từng cơ quan, từng ngành, từng lĩnh vực thì Tổng rà soát được triển khai ở quy mô rộng, trên mọi lĩnh vực ở phạm vi cả nước, cho cả một thời kỳ hoặc một giai đoạn phát triển của đất nước. Về nguyên tắc, Tổng rà soát được thực hiện từ những văn bản có giá trị pháp lý cao đến những văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn. Kết quả của quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên là cơ sở đối chiếu khi rà soát văn bản của cấp dưới; ngược lại, thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá là hoạt động độc lập của từng cơ quan, từng ngành, không phụ thuộc vào kết quả rà soát, hệ thống hoá của các cơ quan khác.
Trên thế giới, hoạt động rà soát, pháp điển hoá đã được nhiều quốc gia thực hiện từ rất sớm nhằm mục tiêu đơn giản hoá, loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, sắp xếp và hợp nhất hệ thống pháp luật theo từng ngành, từng lĩnh vực với mục tiêu cuối cùng là hình thành bộ pháp điển pháp luật quốc gia về những ngành, lĩnh vực đó.
Ở Pháp, hoạt động rà soát, hệ thống hoá nằm trong chuỗi hoạt động nhằm thực hiện pháp điển hoá pháp luật quốc gia. Hoạt động này được thực hiện từ rất sớm, vào thời vua Henri III (1574-1589) và thành công nhất của hoạt động này là việc cho ra đời các bộ luật Napoléon (Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự và Bộ luật thương mại).
Hàn Quốc là một quốc gia có những hoạt động pháp điển được giới nghiên cứu quan tâm, đó là hoạt động "cắt bỏ" pháp luật. Năm 1998, Hàn Quốc có 11.125 văn bản pháp luật và được đánh giá là quá nhiều văn bản nên gây ra sự chồng chéo không cần thiết. Vì vậy, Uỷ ban Cải cách pháp luật đã được thàn lập do Thủ tướng làm Chủ tịch. Uỷ ban này thực hiện các hoạt động làm đơn giản hệ thống pháp luật và cắt bỏ các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo không cần thiết. Kết quả là cuối năm 1999, Hàn Quốc còn lại 6.308 văn bản pháp luật, 2.411 văn bản pháp luật đã được chỉnh lý.
Hoa kỳ đã trải qua 3 lần thực hiện Tổng rà soát, hệ thống hoá pháp luật của quốc gia mình (vào các năm 1866, 1874 và 1936). Kết quả của các lần Tổng rà soát, hệ thống hoá này là việc Nghị viện Hoa Kỳ ban hành Bộ Pháp điển các luật Hoa Kỳ (là tập hợp chính thức các luật do Nghị viện ban hành và đang có hiệu lực) cùng với Bộ Pháp điển hoá các quy định của Liên bang (gồm tập hợp chính thức tất cả các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan Chính phủ và các Bộ của Hoa Kỳ ban hành) được chia theo 50 chủ đề. Mỗi chủ đề được chia thành các mục có chứa các quy định cụ thể của luật (bao gồm các điều, khoản, điểm). Trong mỗi mục lại chia thành các tiểu mục, chương, phần… nếu cần thiết. Mỗi chủ đề có thể có các phụ lục (kèm theo) được chia thành các mục, quy tắc hoặc mẫu. Cho tới nay, Bộ Pháp điển này đang ngày một hoàn thiện và cập nhật để đảm bảo tính hiệu lực của nó (hiện nay, nó gồm 51 chủ đề).
Ở nước ta, từ khi thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, chúng ta đã hai lần thực hiện Tổng rà soát. Lần thứ nhất được thực hiện để xem xét, nhằm thống nhất nhà nước về mặt pháp luật trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã ban hành trước đó. Thành công lớn nhất của lần Tổng rà soát này là công bố được Danh mục pháp luật hiện hành thi hành thống nhất cho cả nước, gồm 420 văn bản còn hiệu lực.
Lần Tổng rà soát thứ hai được thực hiện theo Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 có hiệu lực. Đợt Tổng rà soát này được thực hiện đối với các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật do các chủ thể ban hành, được ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 (còn được gọi là đợt Tổng rà soát 1976 - 1996) theo các mục tiêu và kế hoạch đã được quy định. Đây là đợt Tổng rà soát có quy mô lớn, phạm vi rộng và tập trung lực lượng hùng hậu từ Trung ương đến địa phương, nhằm xác lập, công bố danh mục các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực để áp dụng thống nhất trong cả nước và từng địa phương. Đồng thời, thông qua đó, nhìn nhận, phân tích và đánh giá những vấn đề còn tồn tại trong việc ban hành văn bản, từ đó, rút ra kinh nghiệm để xây dựng một quy trình khoa học về rà soát, hệ thống hoá.
Sau đợt Tổng rà soát này, chúng ta cũng triển khai một số hoạt động rà soát, hệ thống hoá khác, như: rà soát, hệ thống hoá nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam phù hợp với các điều ước quốc tế để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, kết quả các đợt rà soát đó mới chỉ đạt ở một mức độ nhất định, chưa khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế và khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Từ năm 1996 (khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật luôn nhận được sự quan tâm nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bằng chứng là, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật luôn quy định thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực tế, hoạt động này vẫn được tiến hành và định kỳ 6 tháng, hàng năm các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản vẫn công bố danh mục văn bản hết hiệu lực.
Nhưng, trong những năm qua, nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình quản lý đất nước trong tình hình mới, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số lượng rất lớn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, tạo ra cơ sở pháp lý cho công cuộc đổi mới đất nước. Pháp luật hiện hành quy định nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mỗi chủ thể lại có thẩm quyền ban hành nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, dẫn đến hệ quả là hệ thống pháp luật của nước ta rất cồng kềnh, khó tiếp cận; có nhiều quy định mâu thuẫn, trùng lặp, chồng chéo (trong bản thân hệ thống và trong sự so sánh với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập); nhiều văn bản, nhiều quy phạm pháp luật lạc hậu hoặc không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, ít có khả năng được thi hành nghiêm; chưa đáp ứng được các yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đời sống kinh tế - xã hội và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Trong bối cảnh đó, Tổng rà soát có thể được xem là hoạt động tiếp theo, kế thừa những kết quả đã có của quá trình thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hoá và bổ sung những kết quả mà hoạt động rà soát thường xuyên, định kỳ hệ thống hoá vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nguyễn Đình Thơ