Dự án Luật Bảo hiểm Y tế: Phải để người có thẻ BHYT không thấy “xấu hổ”

09/10/2008
Theo kế hoạch, tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một đạo luật thể hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo vệ sức khỏe toàn dân. Để đóng góp ý kiến cho dự án Luật BHYT, hôm 1/10, Liệp hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam đã đồng tổ chức buổi “tọa đàm chuyên sâu kết nối thông tin và kênh đối thoại giữa các tổ chức xã hội dân sự với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ về Dự án Luật BHYT”.

Mức BHYT 6% là thích hợp

             Trong số 10 điểm mới của dự án Luật BHYT mà bà Tô Thị Sông Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) – giới thiệu thì qui định về mức đóng tối đa cho BHYT được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đánh giá chung, mức đóng 6% lương, thu nhập là hợp lý vì theo qui định hiện nay, mức đóng BHYT 3% là thấp so với nhu cầu chi phí thực tế. Tình bình quân mỗi thẻ BHYT chỉ thu được 127.000đ nhưng khi chi thì lên đến 156.000đ/thẻ (mức chi phí y tế bình quân là 45USD/người/năm). Do đó, “vỡ” quỹ BHYT là không thể tránh khỏi.

             Tuy nhiên, theo BS.LG.Trịnh Thị Lê Trâm - nguyên Phó vụ trưởngVụ Pháp chế (Bộ Y tế), do chưa nghiên cứu để chứng minh một cách khoa học và thực tiễn nên chưa có cơ sở qui định mức đóng phí BHYT này. Bà Trâm băn khoăn rằng, với điều kiện khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có tham gia BHYT như hiện nay liệu đã đáp ứng được mức đóng BHYT 6% của người dân hay chưa? Vì thế, nếu tăng mức đóng từ 3% lên 6% cần có sự sửa đổi đồng bộ trong tất cả các mặt liên quan để người dân thấy được sự cần thiết phải tăng mức phí BHYT như trong dự án Luật.

             Bên cạnh đó, GS.Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ hộ nghèo ở mức độ tối thiểu để không khuyến khích gia tăng hộ nghèo. Thực tế, nhiều gia đình đang “phấn đấu” được công nhận là hộ nghèo để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách BHYT. Mặc dù các đại biểu đều nhất trí “càng nghèo càng cần có BHYT” nhưng như ý kiến của đại diện Hội Đông y Việt Nam thì mọi sự hỗ trợ của Nhà nước về vấn đề BHYT phải có mức độ, mà quan trọng là huy động được toàn dân tham gia BHYT.

Thẻ BHYT phải sử dụng như thẻ ATM

             Vấn đề được coi là một trong những hạn chế của BHYT hiện nay theo đánh giá của các đại biểu là “đóng đinh” nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu đối với người tham gia BHYT. GS.Nguyễn Lân Dũng nhận xét, qui định này không chỉ bất cập, gây khó khăn cho người tham gia BHYT khi muốn KCB mà còn làm cho chính sách BHYT trở nên thiếu hấp dẫn.

             Còn theo bà Trâm, qui định về nơi KCB ban đầu của dự án Luật dù đảm bảo việc KCB không bị quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên của ngành y tế (tuyến tỉnh và TƯ) nhưng không khuyến khích được sự cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở y tế trong việc phấn đấu vươn lên về trình độ kỹ thuật, thái độ phục vụ để thu hút bệnh nhân. Vì thế, các đại biểu đều thấy rằng cần qui định mở rộng hơn quyền KCB theo BHYT của người dân và để “thẻ BHYT có thể được sử dụng như thẻ ATM” nghĩa là người có thẻ BHYT có thể tự do lựa chọn cơ sở y tế để KCB phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiện tại.

             Ngoài ra, để vị trí BHYT thay đổi, các đại biểu còn đề nghị có những qui định cụ thể (trong dự án Luật hoặc Nghị định hướng dẫn thi hành) chống phân biệt đối xử giữa người KCB theo thẻ BHYT và người KCB tự nguyện (dịch vụ), “không nên để người bệnh thấy nhục khi KCB theo thẻ BHYT” như ý kiến của ông Phạm An Lương – Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam. Thực tế tại không ít cơ sở y tế, người có thẻ BHYT bị coi thường và bị “xếp hàng” sau người KCB dịch vụ.

             Đồng thời, BS.Lã Thị Bưởi (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo phát triển cộng đồng) thấy phải có qui định danh sách các mục được chi và mức thanh toán cho người BHYT để giải quyết tình trạng, khi KCB theo BHYT muốn thuốc tốt, dịch vụ kỹ thuật cao thì phải “tác động”, vì nhân viên y tế được toàn quyền quyết định sử dụng thuốc và dịch vụ như thế nào cho người bệnh. Điều này gây ra sự bất công giữa những người cùng tham gia BHYT.

Chi trả BHYT thế nào cho phù hợp?

             Qui định của dự án Luật BHYT qui định 3 mức thanh toán BHYT: 100% (trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, CAND), 95% (người nghèo, hưu trí, mất sức, bảo trợ xã hội) và 80% cho những đối tượng tham gia BHYT còn lại. Nghĩa là trừ các đối tượng BHYT chi trả 100% chi phí KCB thì còn lại “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bà Sông Hương cho biết, mục tiêu của qui định cùng chi trả chi phí KCB chia sẻ tài chính với quỹ BHYT, gián tiếp giảm chi của quỹ BHYT bằng cách để người bệnh thấy được chi phí KCB là tốn kém, từ đó tăng cường các biện pháp phòng bệnh. Đồng thời tạo cơ chế kiểm tra, giám sát, chống lạm dụng quỹ BHYT.

             Nhưng GS.Phạm Song lại đề nghị chỉ nên quy định cùng chi trả đối với những kỹ thuật cao khi KCB, còn KCB thông thường thì quỹ BHYT nên chi trả 100%. Sở dĩ là để người tham gia BHYT không phải đóng tiền 2 lần (một lần đóng quỹ BHYT, một lần đóng phí KCB tại cơ sở y tế). Hiện nay, khi KCB theo BHYT, người dân phải chờ đợi rất lâu để hoàn thành nghĩa vụ “cùng chi trả”, mà có khi chỉ vài nghìn đồng. Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến người dân thiếu “mặn mà” với BHYT./.

Huy Anh