Cần có văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo

15/10/2008
Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người có công với cách mạng và đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chính sách của Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 2685/VPCP-QHQT ngày 21/5/2002.

Để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II) và Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010. Các Quyết định trên đây đã xác định trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người dân tộc thiểu số là một trong những chính sách giảm nghèo nhằm mục tiêu bảo đảm cho 98% người nghèo và 95% người dân tộc thiểu số cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí.   

Sau gần một năm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo và các xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình đã đạt được những kết quả khả quan. Bước đầu, việc tập trung triển khai chính sách này đã giúp nâng cao nhận thức thống nhất về chính sách trợ giúp pháp lý cho các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương. Đồng thời, trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng được, các địa phương đều tăng cường các nguồn lực để tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình, đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật bằng các hình thức hoạt động khác nhau. Nhìn chung, các hoạt động triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đã cơ bản bảo đảm được mục tiêu của Chương trình, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người nghèo để họ có ứng xử phù hợp với pháp luật, vận dụng tốt các quy định của pháp luật trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. 

Mặc dù, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 5068/BTP-TGPL ngày 26/11/2007 hướng dẫn các Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc, bật cập sau đây: 

Thứ nhất, nhận thức của chính quyền cơ sở nói chung, của các Sở, ban, ngành có liên quan (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc…) và Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước nói riêng về chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo còn chưa thống nhất. Một số địa phương cho rằng chính sách này chỉ áp dụng đối với các địa phương được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương, nếu không được hỗ trợ kinh phí thì không phải thực hiện. Trong khi đó các địa phương này vẫn thực hiện việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số theo Luật Trợ giúp pháp lý nhưng lại không coi đó là hoạt động để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. 

Thứ hai, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo nên nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai. Mặc dù Bộ Tư pháp đã có Công văn hướng dẫn nhưng một số cơ quan, ban ngành có liên quan ở cơ sở không cộng tác với Sở Tư pháp trong việc thực hiện hướng dẫn tại Công văn nêu trên (với lý do đây là hướng dẫn trong nội bộ ngành tư pháp mà không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên họ không có trách nhiệm phải thực hiện). Một số địa phương không xác định được đâu là cơ quan quản lý, đâu là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nên việc phân bổ kinh phí triển khai không đúng (đã có tình trạng cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo - Trung tâm trợ giúp pháp lý - lại không được cấp kinh phí còn cơ quan không chịu trách nhiệm thực hiện lại được cấp kinh phí - một số Sở Tư pháp giao kinh phí cấp từ nguồn triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo cho các đơn vị khác thuộc Sở thực hiện mà không giao cho Trung tâm) đã ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả hoạt động của Chương trình. Ngoài ra, có một số vấn đề mới đã nảy sinh trong quá trình thực hiện nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể đòi hỏi phải kịp thời có biện pháp tháo gỡ vướng mắc.   

Thứ ba, việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo ở nhiều địa phương còn chậm và chưa bảo đảm yêu cầu. Một số địa phương đã được thông báo và phân bổ kinh phí từ tháng 10/2007 nhưng đến hết năm 2007 vẫn chưa được cấp kinh phí để tổ chức thực hiện hoặc cấp chậm dẫn đến thụ động trong việc thực hiện, thậm chí có nơi còn  không tổ chức được các hoạt động, có địa phương đến hết 6 tháng đầu năm 2008 mới triển khai được một số hoạt động ban đầu. 

Thứ tư, việc lập dự toán, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí dành cho chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo thực hiện chưa thống nhất mặc dù Liên Bộ Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Thông tư số 102/2007/TTTL/BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007). Hầu hết các địa phương chưa chủ động trong việc lập dự toán từ nguồn kinh phí do địa phương bảo đảm để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong việc trình dự toán, theo dõi việc phân bổ để triển khai thực hiện. 

Thứ năm, do nguồn kinh phí hỗ trợ cho sinh hoạt Câu lạc bộ từ nhiều nguồn khác nhau (Dự án Hỗ trợ hệ thống trợ giúp pháp lý ở Việt Nam, 2005 - 2009; Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam; các Chương trình giảm nghèo) với các mức chi, phương thức phân bổ khác nhau nên ở nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, thậm chí có nơi không thể triển khai thực hiện được. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí từ các Chương trình giảm nghèo cho các Câu lạc bộ để các Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người nghèo và người dân tộc thiểu số ngay tại cơ sở. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa Uỷ ban nhân dân các xã thuộc các Chương trình giảm nghèo và Trung tâm trong việc triển khai chính sách trợ giúp pháp lý chưa chặt chẽ nên vẫn còn tình trạng một số xã chưa thể thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý theo các Chương trình giảm nghèo hoặc đã thành lập nhưng chưa hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. 

Như vậy, để khắc phục những vướng mắc, bất cập trên đây, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo một cách cụ thể, chi tiết, tạo cơ sở pháp lý và bảo đảm thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, nội dung văn bản hướng dẫn cũng cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:  

Một là, cần làm rõ các hoạt động cụ thể để thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo như hoạt động: khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý tại địa phương; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý (thụ lý và giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng trợ giúp pháp lý; tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, tăng cường công tác thông tin truyền thông về pháp luật nói chung và pháp luật về trợ giúp pháp lý nói riêng). 

Hai là, phải có hướng dẫn mang tính nguyên tắc về nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. Các vấn đề cụ thể về quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương có thể viện dẫn theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 102/2007/TTTL/BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đối với Chương trình 135 giai đoạn II đã được hướng dẫn tại Thông tư số 06/2007/TT-UBDT ngày 20/9/2007 của Uỷ ban Dân tộc) và hướng dẫn cụ thể tại các Chương trình, dự án, và Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành trong thời gian tới. 

Ba là, cần quy định rõ về cơ quan có thẩm quyền, nội dung và kế hoạch kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo; nội dung và chế độ báo cáo thống kê việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. Để bảo đảm công tác thống kê báo cáo, cần hướng dẫn cụ thể về các loại báo cáo: báo cáo định kỳ (báo cáo 6 tháng, báo cáo 01 năm) và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cũng như trách nhiệm gửi báo cáo, thời hạn gửi báo cáo và nội dung của các báo cáo. 

Bốn là, phải quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan quản lý và cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, các cơ quan, đơn vị, tổ chức phối hợp trong các Chương trình giảm nghèo (Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Uỷ ban nhân dân cấp xã) trong việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các Chương trình giảm nghèo. Có như vậy mới tăng cường sự chủ động, phát huy tính sáng tạo của cơ quan trực tiếp thực hiện chính sách đồng thời có cơ chế phối hợp, chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, tổ chức có liên quan, bảo đảm thực hiện mục tiêu của các Chương trình giảm nghèo./.

Đỗ Hương - Lê Thuý