Tham gia xây dựng Hiến chương ASEAN: Việt Nam có nhiều đóng góp tích cực

19/11/2008
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – năm 2007, các nhà lãnh đạo cao cấp của các quốc gia thành viên đã thông qua bản Hiến chương ASEAN. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN sắp diễn ra ở Thái Lan trong tháng 12, Hiến chương ASEAN sẽ được tuyên bố có hiệu lực, mở ra một trang lịch sử mới của ASEAN. Tuy nhiên, thông tin về những đóng góp của Việt Nam đối với văn kiện quan trọng bậc nhất này của khu vực lại được ít người biết đến. Và đó chính là mục đích của cuộc hội thảo do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức vào ngày 14/11 vừa qua.

ASEAN là một tổ chức liên chính phủ

Về các nguyên tắc, Đoàn Việt Nam đồng thuận với ý kiến của các Đoàn là Hiến chương ASEAN cần khẳng định các nguyên tắc cơ bản như tôn trọng độc lập, bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không đe doạ và sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế… Đây là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế và đã được thể hiện trong Hiến chương LHQ cũng như trong Tuyên bố năm 1970 của Đại hội đồng LHQ về các nguyên tắc quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Hơn nữa, đây chính là những nguyên tắc hoạt động của ASEAN lâu nay và đã được nêu trong nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN. Tại các vòng thương lượng, Việt Nam đã đề nghị, Hiến chương cũng cần khẳng định một nguyên tắc quan trọng là các nước thành viên ASEAN và tổ chức ASEAN không tham gia vào bất kỳ chính sách hoặc hoạt động nào do bất kỳ quốc gia nào hoặc bất kỳ thực thể nào tiến hành, kể cả việc sử dụng lãnh thổ của mình đe doạ độc lập, toàn vẹn chủ quyền và ổn định kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN. Đối với các mục tiêu của ASEAN, Việt Nam chủ trương đưa vào Hiến chương các nội dung như duy trì Đông Nam Á là khu vực không vũ khí hạt nhân, không có các vũ khí giết người hàng loạt khác; và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên. Nguyên tắc và các mục tiêu này đã được thể hiện trong khoản 2(k) của Điều 2 về các nguyên tắc và các khoản 3, khoản 6 của Điều 1 về các mục tiêu.

Về bản chất của ASEAN, Đoàn Việt Nam nhất trí với ý kiến của các Đoàn bạn rằng ASEAN là một tổ chức liên chính phủ do các quốc gia thành viên lập nên, chứ không phải là tổ chức siêu quốc gia và tính chất này phải được thể hiện trong Hiến chương. Phương thức thông qua các quyết định bằng đồng thuận vốn có của ASEAN đã phát huy tác dụng nên về cơ bản cần được tiếp tục khẳng định. Các tư tưởng trên của Việt Nam được nhấn mạnh tại Điều 3 của Hiến chương về địa vị pháp lý của ASEAN và Điều 20 về tham khảo và đồng thuận.

Không có Uỷ ban ASEAN tại các nước thứ 3

Nhóm HTLF (Nhóm đặc trách cao cấp của ASEAN về Hiến chương) đã thảo luận vấn đề về đưa cơ chế các Uỷ ban ASEAN tại các nước thứ 3 vào Chương IV “Các cơ quan” của dự thảo Hiến chương. Song, theo Đoàn Việt Nam, không thể lập cơ chế Uỷ ban ASEAN tại quốc gia thứ 3 khi ở nước đó không có đầy đủ Đại sứ của cả 10 thành viên ASEAN do tình hình quan hệ song phương, ưu tiên và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia thành viên ASEAN. Ngoài ra, giả sử Việt Nam và 2 quốc gia thành viên ASEAN khác có Đại sứ ở quốc gia X và nếu quyết định lập cơ chế Uỷ ban ASEAN tại nước thứ 3 thành hiện thực thì chắc chắn Uỷ ban này không thể nào thay mặt cho tất cả các quốc gia thành viên ASEAN được. Mặc dù một số địa bàn có đầy đủ 10 Đại sứ của các quốc gia ASEAN như Washington, New York… và đã có các Uỷ ban ASEAN tại đây, nhưng các Uỷ ban trên không phải là cơ chế chính thức đại diện cho ASEAN trong quan hệ với nước chủ nhà hoặc LHQ. Sau khi thảo luận, Nhóm HTLF nhất trí là không đưa quy định về các Uỷ ban ASEAN tại các nước thứ 3 vào Hiến chương.

Về cơ chế tổ chức của ASEAN, xuất phát từ thực tiễn tham gia LHQ và rút kinh nghiệm trong cách thức hoạt động lâu nay của ASEAN, Việt Nam chủ trương và hoàn toàn ủng hộ khuyến nghị của Nhóm EPG (Nhóm các nhân vật nổi tiếng - gồm các công dân ưu tú của các quốc gia thành viên ASEAN) đối với việc lập cơ chế Đại diện thường trực của các quốc gia thành viên tại ASEAN. Hiện nay, các cuộc họp của ASEAN lần lượt được tổ chức tại các quốc gia thành viên và các quốc gia thành viên đều phải cử đoàn từ thủ đô đi dự các cuộc họp. Khi có các Đại diện thường trực tại ASEAN với một bộ phận giúp việc ở Jakarta thì nhiều cuộc họp bàn về tổ chức hoặc một số vấn đề không quá cấp thiết có thể được tiến hành ngay tại Jakarta và do các Đại diện thường trực dự họp rồi báo kết quả về cho thủ đô.

Cẩm Vân

Ông Nguyễn Duy Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao), thành viên Nhóm đặc trách cao cấp của Việt Nam cho biết: Quá trình xây dựng Hiến chương ASEAN có thể chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là nghiên cứu trong khuôn khổ của Nhóm EPG năm 2006, giai đoạn 2 là thương lượng và hoàn thành việc soạn thảo Hiến chương trong khuôn khổ của Nhóm HLTF năm 2007. Sau nhiều cuộc họp lần lượt tại các địa điểm khác nhau trên lãnh thổ các nước thành viên ASEAN, Nhóm EPG đã hoàn thành một Báo cáo rất toàn diện với nhiều khuyến nghị liên quan đến cơ chế tổ chức, nguyên tắc hoạt động của ASEAN, còn Nhóm HTLF đã chuẩn bị bản dự thảo Hiến chương ASEAN. Ngày 20/11/2007, tại Singapore nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13, các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 10 quốc gia thành viên ASEAN đã ký thông qua bản Hiến chương ASEAN gồm 13 Chương, 55 Điều và 4 Phụ lục.

Nhà chính khách lão luyện và đầy kinh nghiệm – nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã được Chính phủ Việt Nam cử trực tiếp tham gia vào công việc của Nhóm EPG để xem xét, đánh giá và đề xuất các khuyến nghị về Hiến chương ASEAN.