"Nợ" ban hành văn bản hướng dẫn luật: Lỗi tại ai?

23/11/2005
"Nợ" ban hành văn bản hướng dẫn luật: Lỗi tại ai?
Trước sự khiển trách của QH về việc Chính phủ chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu giải thích: ''Luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH ban hành có nhiều quy định mang tính chất nguyên tắc, ''luật khung'', chưa cụ thể...".

Vấn đề này được nêu ra trong buổi thảo luận về tình hình soạn thảo, ban hành, kiểm tra văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Quốc hội chiều 22/11.

Chính phủ còn nợ 39% văn bản dưới luật!

Theo Bộ trưởng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI đến 30/4/2005, Chính phủ đã ban hành 120/196 văn bản cần hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, đạt 61%, còn nợ 39%.

Con số thực tế lớn hơn khi Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển công bố trước Quốc hội: Chỉ riêng lĩnh vực kinh tế, Chính phủ đã nợ khoảng 100 văn bản, chưa kể các bộ, ngành.

Trước con số Chủ nhiệm Khiển đưa ra, Bộ trưởng Uông Chu Lưu trình bày: ''Luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH ban hành có nhiều quy định mang tính chất nguyên tắc, ''luật khung'', chưa cụ thể, nhiều vấn đề chi tiết thường giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định tại văn bản dưới luật''.

Chẳng hạn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức tín dụng cần 12 văn bản hướng dẫn; Pháp lệnh thi hành án dân sự cần 10 văn bản...

''Việc soạn thảo và ban hành một lượng văn bản lớn như vậy đòi hỏi Chính  phủ phải đầu tư nhiều thời gian, công sức. Vì vậy việc chậm ban hành văn bản là điều khó tránh khỏi!'', ông nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển cũng nhận trách nhiệm: ''Quốc hội, UBTVQH khi xem xét thông qua luật, pháp lệnh chưa xác định cụ thể những nội dung cần hướng dẫn cũng như số lượng văn bản, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, thời hạn ban hành. Chưa chỉ rõ các điều khoản điểm đã được ban hành trước đây nay trái với luật, pháp lệnh mới cần huỷ bỏ''.

Văn bản có vi phạm: Xử lý chậm và thiếu kiên quyết!

Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 673 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và thấy 96 văn bản có nội dung sai (chiếm 14,3%), trong đó có 48 văn bản được kiểm tra có nội dung không phù hợp với cơ quan nhà nước cấp trên (chiếm 7,1%).

Một dẫn chứng sinh động mà ông Vũ Đức Khiển nêu ra là Thông tư số 02/2003/TT-BCA ngày 13/11/2003 của Bộ Công an quy định ''mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc xe gắn máy''. Theo ông, điều này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân đã được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 1992, khoản 1 Điều 221 Bộ luật dân sự là công dân có quyền sở hữu tài sản không hạn chế về số lượng, giá trị.

Trong lúc ông Vũ Đức Khiển dẫn ra trường hợp này thì báo chí đưa tin, Bộ Công an vừa có Thông tư bãi bỏ quy định ''mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc xe gắn máy''.

Ông Vũ Đức Khiển nhận xét: ''Việc kiểm tra, xử lý đối với các văn bản có dấu  hiệu vi phạm chưa được Chính phủ, bộ quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, không thường xuyên, có biểu hiện né tránh, ngại va chạm. Đối với văn bản được phát hiện có vi phạm thì việc xử lý chậm và thiếu kiên quyết, gây khó khăn cho quản lý''.

''Tính cục bộ ngành trong công tác xây dựng pháp luật chưa được khắc phục triệt để. Một số bộ khi được giao chủ trì hoặc tham gia văn bản chỉ chú trọng bảo vệ lợi ích của bộ, ngành mình, chưa vì lợi ích chung'', Bộ trưởng Uông Chu Lưu thắng thắn.

Trong một số trường hợp, bộ ngành liên quan có quan điểm trái với Ban soạn thảo, dẫn đến dằng co, văn bản chậm được ban hành.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc duy trì đặc quyền, đặc lợi của bộ, ngành khi dự thảo văn bản; của một số địa phương ''xé rào'' trong chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, doanh nghiệp.

Quốc hội cả ngày mai, 23/11, sẽ thảo luận về tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, TANDTC, VKSND (được truyền hình trực tiếp).

Về lộ trình chấm dứt khép kín trong đấu thầu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên giải trình trước Quốc hội sáng 22/11 cho biết, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật đấu thầu đã quy định:

- Thực hiện ngay từ ngày Luật có hiệu lực (dự kiến từ 1/4/2006): Nhà thầu tham gia đấu thầu phải độc lập về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý và độc lập về tài chính với nhà tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; Nhà tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng.

- Thực hiện chậm nhất sau 2 năm: Nhà tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập thiết kế kỹ thuật của dự án, nhà tư vấn đã tham gia thiết kế kỹ thuật của dự án không được tham gia đấu thầu các bước tiếp theo (trừ trường hợp gói thầu EPC).

- Thực hiện chậm nhất sau 3 năm: Nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án phải độc lập về tổ chức, không cùng phụ thuộc vào một cơ quan quản lý và độc lập về tài chính với chủ đầu tư của dự án.

Một số đại biểu Quốc hội kiến nghị quy định rõ nội dung này trong Luật đấu thầu mà không để ở Nghị định của Chính phủ

  • Văn Tiến (VietNamNet)