Tránh làm luật theo mong muốn chủ quan

21/10/2005
Tránh làm luật theo mong muốn chủ quan
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI khai mạc đầu tuần này được đánh giá là có số lượng dự án luật được thông qua lớn nhất từ trước đến nay. Điều này thể hiện quyết tâm của cơ quan lập pháp nhằm đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống cũng như yêu cầu của quá trình hội nhập. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng luật thì đã có, nhưng hiệu quả của nó đối với cuộc sống chưa cao vì những văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành quá chậm.

Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng trên.

Thưa ông, nguyên nhân nào khiến một số luật dù đã được ban hành nhưng vẫn chậm đi vào cuộc sống?
Nguyên nhân có nhiều. Tuy nhiên, luật chậm đi vào cuộc sống có thể trước hết là do cuộc sống chậm đi vào luật. Cuộc sống luôn phải đối mặt với những vấn đềø cần được xử lý. Các vấn đề này phải được nghiên cứu, phải tìm ra được nguyên nhân và phải đề ra được giải pháp. Giải pháp đề ra đúng đắn thì pháp luật vào cuộc sống sẽ rất nhanh. Ngoài ra, cũng cần biết được các quy phạm pháp luật đang tồn tại có giúp giải quyết được vấn đề hay không? Toà án có thể áp dụng các quy phạm này để đạt được công lý hay không? Như vậy, nguyên nhân của việc chậm đi vào cuộc sống có thể nằm ở quy trình lập pháp, ở năng lực nhận biết vấn đề; năng lực nghiên cứu; năng lực phân tích chính sách; năng lực dịch chính sách thành các quy phạm pháp luật; năng lực thẩm định chính sách...

Vậy hiện nay chúng ta đang làm luật theo cách nào?
Thực tế, hiện nay chúng ta làm luật theo chương trình. Theo cách này cũng có những ưu điểm nhất định. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần phải biết được vấn đề của cuộc sống là vấn đề gì và họ muốn xử lý vấn đề đó bằng chính sách gì trước khi đăng ký tên dự luật của mình vào chương trình lập pháp. Nếu không, rủi ro của việc làm luật theo mong muốn chủ quan là rất lớn. Cuộc sống có thể cần một chính sách sáng tạo và khai sáng. Nhưng các cơ quan soạn thảo có khi lại chỉ cần có thêm quyền năng.
Quy trình lập pháp của ta chưa tách biệt giữa hai công đoạn: công đoạn hoạch định chính sách và công đoạn kỹ thuật văn bản, nên Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ mất rất nhiều thời gian cho việc soạn thảo. Thực ra, đó không phải là công việc của Chính phủ. Điều này có vẻ xảy ra là do sự chồng chéo về chức năng giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ”. Ngay Hiến pháp năm 1946 của ta đã quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm về chính trị trước Quốc hội mà không phải chịu trách nhiệm khác. Nếu Chính phủ cũng lại phải điều hành công việc như cơ quan cung cấp dịch vụ công và các công việc về hành chính khác thì không một Chính phủ nào có đủ thời gian để thực hiện cả.

Còn cái khó giữa luật và văn bản dưới luật là gì, thưa ông?
Cái khó nữa là, nếu luật chỉ quy định những nguyên tắc chung thì rất dễ, nhưng để thể hiện những nguyên tắc đó thành quy định cụ thể thì khó hơn. Ngoài ra, nhiều vấn đề khó đã không được xử lý từ trước mà lại “giao Chính phủ quy định cụ thể”. Và nếu vấn đề không rõ ở công đoạn luật thì cũng không thể rõ ở công đoạn dưới luật.

Ngoài nguyên nhân trên còn có vấn đề về trình độ của đội ngũ cán bộ không?
Vấn đề trình độ có thể cũng có. Nhưng có lẽ vấn đề lẫn lộn giữa chức năng hành chính kỹ thuật và chức năng chính trị là một vấn đề lớn hơn. Những công chức chỉ biết nói những vấn đề chính trị chung chung có thể không có năng lực chuyên muôn để cụ thể hoá một chính sách lập pháp. Rủi ro hơn, họ còn không có động lực để làm điều đó nếu họ không tán thành với chính sách đã được đề ra.

Theo ông, để khắc phục được tình trạng trên, làm cho luật sớm đi vào cuộc sống thì chúng ta phải làm gì?
Trước hết, phải quyết định chính sách trước khi quyết định soạn thảo văn bản pháp luật. Mà như vậy thì ba năng lực quan trọng nhất của các bộ là: năng lực nhận biết vấn đề, năng lực nghiên cứu và năng lực phân tích chính sách.
Soạn thảo luật (hoặc dịch một chính sách đã được Chính phủ phê chuẩn thành luật) phải là một nghề được đào tạo hẳn hoi. Không hiểu biết về lý thuyết lập pháp về quy luật của hành vi khó làm được nghề này.

Theo Báo Đầu tư