Thảo luận luật tại hai hội trường, sáng kiến mới trong công tác lập pháp

02/11/2005
Thảo luận luật tại hai hội trường, sáng kiến mới trong công tác lập pháp
Theo chương trình, từ 4 đến 15-11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI sẽ thực hiện việc thảo luận các dự án luật tại hai hội trường. Cải tiến cách thức thảo luận luật có hạn chế tính dân chủ trong công tác lập pháp ? Làm thế nào để các đại biểu có thể tham gia đóng góp ý kiến ở cả hai hội trường ? Thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, tuy là một công đoạn của quy trình lập pháp, nhưng là một trong những khâu quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, số lượng dự án luật được Quốc hội (QH) được xem xét, thông qua tại mỗi kỳ họp.

Theo quy định, QH có thể xem xét, thông qua dự án luật tại một hoặc hai kỳ họp và về cơ bản gồm các khâu: thuyết trình về dự án; thuyết trình báo cáo thẩm tra; thảo luận tại phiên họp toàn thể về những nội dung cơ bản, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án luật. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, dự án luật có thể được thảo luận tại Tổ hoặc tại Đoàn đại biểu QH (hoặc tại Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của QH theo quy định của Nội quy kỳ họp QH). Thực tiễn áp dụng cho thấy, trong cách bố trí các hình thức thảo luận, QH đã tập trung khá nhiều thời gian cho việc thảo luận ở phiên họp toàn thể ở hội trường; đồng thời áp dụng hình thức thảo luận dự án luật tại Tổ đại biểu QH theo mô hình kết hợp nhiều Đoàn đại biểu QH vào một Tổ nhằm bảo đảm các ý kiến phát biểu được tranh luận, xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm kể trên thì việc thực hiện cách thức thảo luận, cho ý kiến như vậy cũng còn không ít bất cập:

Một là, chưa có cơ chế hiệu quả cho việc giải trình, giải đáp những khúc mắc của đại biểu ngay trong quá trình thảo luận về dự án luật tại Tổ, hoặc ở Đoàn đại biểu QH, mà nguyên nhân là do chưa có cơ chế bảo đảm sự tham gia của cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp thẩm tra, Bộ Tư pháp, đại diện Uỷ ban Pháp luật của QH ở tất cả các Tổ trong quá trình các vị đại biểu QH tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự án luật đó. Hơn nữa, tính tranh luận, phản biện trực tiếp về các chính sách luật còn nhiều hạn chế. Do đó, việc QH thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật lâu nay mới dừng lại ở mức làm cơ sở cho việc tiếp tục chuẩn bị, chứ chưa đủ điều kiện để QH thảo luận kỹ, đi đến biểu quyết thống nhất những nội dung cơ bản, những vấn đề lớn mà trong quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau của dự án luật làm căn cứ cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án, trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Hai là, việc bố trí thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật được sắp xếp theo thứ tự lần lượt như hiện nay có thể sẽ không thể thực hiện được khi số lượng các dự án luật trình QH xem xét, thông qua, cho ý kiến tại mỗi kỳ họp ngày càng tăng, chất lượng đòi hỏi phải nâng cao. Trong khi đó, nhiều ý kiến của các vị đại biểu QH đều đề nghị thời gian tiến hành kỳ họp không nên kéo dài.

Ba là, chưa tạo được cơ chế có hiệu quả để phát huy đến mức cao nhất sự đóng góp của các vị đại biểu QH có kinh nghiệm, khả năng chuyên môn sâu; của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của QH khi không chủ trì hoặc phối hợp thẩm tra dự án luật nào đó trong chương trình kỳ họp; của bộ máy tham mưu, giúp việc và của các chuyên gia vào công tác xây dựng pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng luật trong tình hình hiện nay không chỉ là trách nhiệm của QH mà còn là đòi hỏi bức xúc đang đặt ra của cuộc sống. Thay vì thảo luận luật tại một hội trường, kể từ kỳ họp thứ 8, QH khoá XI này, nhiều dự án luật trình QH cho ý kiến lần đầu hoặc trình QH xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp, sẽ đồng thời được bố trí thảo luận tại hai địa điểm khác nhau. Tất cả các vị đại biểu QH đều được bố trí tham gia thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, với nòng cốt là thành viên của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra dự án luật.

Tham gia thảo luận còn có cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp soạn thảo dự án luật, để giải trình những vấn đề mà các vị đại biểu QH quan tâm. Các đại biểu QH tham gia ở Hội trường nào có nhiệm vụ thảo luận, cho ý kiến về những nội dung cơ bản, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật được phân công và đề xuất những vấn đề cần đưa ra thảo luận, quyết định tại phiên họp toàn thể. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh, đây là một sáng kiến mới trong cách thức làm luật của QH, trước mắt việc này sẽ được thực hiện tại hai địa điểm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nếu công việc tiến triển tốt, các kỳ họp lần sau, sẽ triển khai thảo luận luật tại ba hoặc bốn địa điểm khác nhau.

Việc cải tiến làm luật theo cách thức này, cũng theo Chủ nhiệm Bùi Ngọc Thanh, chất lượng thảo luận sẽ được nâng lên một bước cơ bản, trong khi đó vẫn bảo đảm nguyên tắc quyền tham gia ý kiến về các dự án luật của đại biểu QH. Một bộ phận cán bộ, chuyên gia sẽ được phân công theo dõi, tổng hợp và thông tin nhanh, đầy đủ, kịp thời đến từng đại biểu về các dự án luật được thảo luận ở các địa điểm khác nhau. Các vị đại biểu QH dự họp ở hội trường này cũng có thể tham gia ý kiến về dự án luật mà ở hội trường khác đang thảo luận bằng cách trực tiếp đến phát biểu hoặc gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản.

Thảo luận luật tại hai địa điểm, thực chất là cách thức thảo luận về dự án luật tại Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của QH mà lâu nay QH vẫn làm, chỉ có điều, tại kỳ họp QH lần này, vào cùng một thời điểm và tại các địa điểm khác nhau, nhiều Uỷ ban khác nhau của QH sẽ cùng thảo luận về các dự án luật. Đại biểu quan tâm đến dự án nào thì tham gia hoặc đăng ký phát biểu ý kiến. Việc cải tiến này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời góp phần rút ngắn được thời gian bố trí cho việc thảo luận về các dự án trong chương trình kỳ họp. Cách thảo luận luật như vậy cũng tạo điều kiện cho các đại biểu có thêm thời gian thảo luận sâu cho mỗi dự án, nâng cao chất lượng ở khâu thảo luận, đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo và các cơ quan hữu quan ngay trong quá trình thảo luận, cho ý kiến và phối hợp hoàn thiện dự thảo luật.

Cải tiến cách thức xây dựng luật theo hướng nêu trên, có ý kiến cũng cho rằng, sẽ làm hạn chế tính dân chủ trong quá trình thảo luận đối với các dự án luật tại kỳ họp QH. Nhưng điều lo ngại đó là không có cơ sở, bởi với cách làm luật mới này, thực tế sẽ đã tạo ra nhiều hơn cơ hội và điều kiện cho các đại biểu được đối thoại với nhau, được cọ sát quan điểm và phản biện trực tiếp ngay trong quá trình thảo luận với cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, đó cũng chính là phương thức làm tăng tính dân chủ trong hoạt động lập pháp của QH.

Quy trình lập pháp bao gồm nhiều công đoạn. Việc thực hiện tốt công đoạn trước sẽ là tiền đề, cơ sở cho việc bảo đảm chất lượng việc thực hiện các công đoạn tiếp theo, chất lượng dự án luật phụ thuộc nhiều vào công đoạn soạn thảo. Tuy nhiên, quan sát từ thực tiễn lập pháp của QH nước ta, QH đang chỉ thực hiện một số công đoạn trong quy trình lập pháp (quyết định chương trình; thẩm tra; cho ý kiến, xem xét, thông qua), còn một số công đoạn khác về mặt thực tiễn do nhiều cơ quan khác có thẩm quyền theo luật định thực hiện. Vậy lựa chọn phương án nào, giải pháp nào cho việc đổi mới hoạt động lập pháp, nâng cao chất lượng và tiến độ xây dựng luật ? Phải chăng điều trước mắt cần nghĩ tới là đổi mới cách thức thực hiện các công đoạn hiện do QH, các cơ quan của QH đang tiến hành. Tuy chưa phải là giải pháp toàn diện, nhưng chúng tôi cho rằng dưới góc độ thực tiễn, việc cải tiến trên là một bước đi quá độ phù hợp với thực tế hoạt động lập pháp của QH, các cơ quan của QH và đại biểu QH trong thời điểm hiện nay.

Theo chương trình, trong các ngày từ 4 đến 15-11 của kỳ họp thứ 8, QH khoá XI, lần đầu tiên QH sẽ thực hiện việc thảo luận luật tại hai hội trường (Ba Đình và 37 Hùng Vương). Chúng ta hãy cùng chờ, theo dõi và hy vọng những kết quả tốt đẹp đến từ sự đổi mới, sáng tạo này.

ANH TUẤN và HỒNG THANH