Nhiều đại biểu quốc hội thống nhất: Bộ tư pháp “quản” thi hành án hình sự, dân sự và hành chính

15/11/2005
Đến chiều ngày 9/11, sau hơn một ngày thảo luận, mặc dù phần lớn đại biểu quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Bộ luật Thi hành án, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các nội dung lớn của Dự án Bộ luật. Đặc biệt, vấn đề thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án (THA), cảnh sát tư pháp... thu hút được sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cũng bày tỏ chính kiến của mình về vấn đề này.

Bộ trưởng Uông Chu Lưu cho biết, về mặt lý luận, THA không phải là một hoạt động tố tụng. THA không phải là một hoạt động để xác lập bản chất của vụ án, của việc chứng minh có tội hay không có tội. Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật rồi thì cơ quan có trách nhiệm phải tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng bản án đó. Những người có liên quan phải thực hiện theo đúng các quy định mà Tòa án đã tuyên. Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành cũng không nói cơ quan THA là cơ quan tố tụng. Đồng thời, chấp hành viên hay quản giáo cũng không được coi là người thi hành tố tụng. Như vậy, hệ thống pháp luật hiện hành của ta khẳng định cơ quan THA không phải là cơ quan tố tụng. Để khẳng định cơ quan THA là cơ quan hành chính tư pháp, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đưa ra các minh chứng như: THA là giai đoạn cuối của việc thi hành quyết định bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; cơ quan THA nằm trong hệ thống hành pháp và thực hiện theo các nguyên tắc hành chính. Cơ quan THA có tính chất tư pháp vì nó thực hiện và bảo đảm hiệu lực phán quyết của cơ quan Tòa án trước đó. Điều đó chứng minh rằng cơ quan THA là một loại hoạt động hành chính tư pháp. Từ chứng minh này, Bộ trưởng Uông Chu Lưu khẳng định Bộ Tư pháp quản lý thống nhất công tác THA là hợp lý.

Về vấn đề này, đại biểu Mã Điền Cư (Bình Thuận) bày tỏ quan điểm: Xây dựng Bộ luật THA là bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất đối với công tác THA thể hiện rõ quan điểm cải cách hành chính, cải cách tư pháp, từng bước xã hội hoá THA phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Đại biểu Mã Điền Cư tán thành với sự phân tích của Chính phủ cho rằng: THA dân sự và THA hình sự có những điểm khác nhau, song việc THA có liên quan chặt chẽ với nhau. Sự tách biệt giữa THA hình sự và THA dân sự đã làm hạn chế hiệu quả THA nói chung, hơn nữa THA hình sự và THA dân sự đều phải tuân thủ một số nguyên tắc chung như bảo đảm hiệu lực bản án, quyết định của Toà án, bảo đảm sự kết hợp giữa thuyết phục và cưỡng chế v.v... Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Văn Điệt (Vĩnh Long) nói: “Sau khi nghe Tờ trình về Dự án Bộ luật THA do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 và Báo cáo thẩm tra của ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tôi thống nhất với quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật THA để đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất đối với công tác THA hiện nay. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm cải cách hành chính và cải cách tư pháp phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.”

Về phạm vi điều chỉnh của Bộ luật THA, đại biểu Điệt tán thành xây dựng Bộ luật THA thống nhất điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của cả THA nói chung, để tạo sự thống nhất trong tổ chức, quản lý thi hành các loại án nhằm khắc phục những hạn chế bất cập như hiện nay do nhiều cơ quan thực hiện. Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Văn Điệt, đại biểu Phan Trung Lý (Nghệ An) và nhiều đại biểu nhất trí với quy định trong Dự thảo luật theo hướng giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về THA hình sự, dân sự và hành chính. Đồng thời, Bộ Tư pháp trực tiếp tổ chức thực hiện công tác này, với lý do là ai quản lý công việc thì người đó quản lý cả về tổ chức bộ máy và con người. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) dẫn ra nghị quyết của Bộ Chính trị và phân tích: Nghị quyết 49 trang 6 cũng có nói rõ chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác THA. Báo cáo các đồng chí Nghị quyết của Bộ Chính trị nói rất rõ như vậy, trong quản lý thì có quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ. Tôi nghĩ phải tập trung vào quản lý của Bộ Tư pháp là chính xác...

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, liên quan đến khâu tổ chức, con người thực hiện, do đó cũng có những ý kiến đề xuất cần có bước đi thích hợp trong quá trình chuyển giao nhiệm vụ THA hình sự về cho Bộ Tư pháp. Có ý kiến lại đề nghị tách bộ luật này thành 3 luật nhỏ, sau đó tổng kết và nhất thể hoá ở giai đoạn sau... Vì là bộ luật lớn, phức tạp, nên Quốc hội dành một thời lượng đáng kể để thảo luận, phân tích thấu đáo mọi vấn đề.

Hồng Thuý & Hạnh Nguyên- Báo Pháp luật Việt Nam