QH chọn con đường "vất vả"

24/11/2005
Chính phủ sẽ vất vả, các Bộ vất vả, các cơ quan của QH vất vả và QH vất vả. Tại sao phải chọn con đường vất vả? Vì cuộc sống ngày càng đòi hỏi cao với các nhà làm luật. "Dự án luật chưa chuẩn bị kỹ thì chưa thông qua", "Nợ" ban hành văn bản hướng dẫn luật: Lỗi tại ai? Sau tất cả những ý kiến bức xúc của các đại biểu QH, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã đứng lên phát biểu quan điểm và lập trường của QH đối với nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Dân còn quan tâm là còn đáng mừng

Không ít điều luật quy định còn chung chung, không chứa nội dung điều chỉnh. Có những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý mà chưa được bổ sung kịp thời. Việc hướng dẫn thi hành pháp luật, cả luật cả pháp lệnh còn nhiều hạn chế, nhất là sự chậm trễ và chất lượng của văn bản. Việc chấp hành pháp luật nói chung chưa nghiêm.

Những khuyết tật đó của nền pháp chế nước ta là không nhỏ, rất bức xúc và cần có những biện pháp để khắc phục sớm. Nhân dân rất quan tâm đến kỷ cương của đất nước, đặc biệt là kỷ cương pháp luật. Nhân dân quan tâm là điều còn rất đáng mừng cho chúng ta. QH ban hành luật song luật đi vào cuộc sống như thế nào. Có ý kiến cho rằng không nên thông qua nhiều luật như đang làm hiện nay, vì nhiều luật không ít điều quy định còn chung chung. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh không kịp thời, có những trường hợp quá chậm trễ. Đó là một ý kiến.

Chúng ta cần khắc phục đồng bộ các khâu yếu kém, nâng cao năng lực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật pháp lệnh, chứ không giảm bớt năng lực ban hành luật, pháp lệnh của chúng ta như đang làm. Nhưng đồng thời phải nâng cao chất lượng các dự án luật và pháp lệnh.

Các đại biểu nhấn rất mạnh điều làm sao luật phải điều chỉnh cụ thể trực tiếp để luật ban hành thì có thể thi hành được ngay, giảm đến mức tối đa những điều giao lại cho chính phủ quy định. Tôi chắc là chỉ giảm ở mức tối đa, vì có những chính sách chưa ổn định mà ghi vào luật thì sẽ không khả thi và khó cho Chính phủ. 

Những gì chưa ổn định thì không nên quy định cứng ở trong luật mà giao cho Chính phủ, cho nên QH giao lại cho chính phủ thì chỉ giao lại cái thuận cho chính phủ, chứ không phải giao cái khó cho chính phủ. Chứ không thể tất cả đi vào luật hết. 

Các nước trên thế giới đều thế chứ không riêng ta. Những cái đã ổn định rồi, đã có trong nghị định rồi, thậm chí có ở thông tư nhưng thuộc điều chỉnh của người dân thì lại đưa vào luật. Ở các nước, những gì thuộc chính sách điều chỉnh đến người dân thì không để ở văn bản dưới luật, không để ở nghị định và thông tư. Nếu để ở nghị định thì luật giao cho chính phủ quy định điều đó là những điều chưa ổn định. Cho nên những báo cáo điều chỉnh trực tiếp hành vi của người dân và kể cả những chế tài là những vấn đề hệ trọng phải được ghi vào luật, không ở văn bản dưới luật. Những gì chưa ổn định thì ghi ở văn bản dưới luật.

Nhàn rỗi hay vất vả?

Một là bây giờ giảm số luật, pháp lệnh đi để hướng dẫn cho kịp. 

Hai là không giảm, vừa phải nâng cao năng lực ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện luật và pháp lệnh đồng thời nâng cao chất lượng của văn bản luật và pháp lệnh theo hướng có nhiều vấn đề có vấn đề liên quan trực tiếp ban hành văn bản quy phạm pháp luật là giảm bớt mức tối đa những điều mà luật giao lại cho chính phủ. Chúng ta đang có nhiều cố gắng và tiến bộ về lĩnh vực này. Chính phủ, các bộ, thường vụ QH đang làm theo hướng này và nhiều vị đại biểu QH đã xác nhận như thế.

Trước hai vấn đề đặt ra như vậy, Ủy ban thường vụ đã thảo luận nhiều lần. Chúng tôi đề nghị nên lựa chọn ý kiến thứ hai, tức là lựa chọn lẫn cả hai chứ không chỉ lựa chọn phương án ban hành luật, pháp lệnh ít đi để văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật được kịp thời. 

Lựa chọn nâng cao cả năng lực ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi luật và pháp lệnh, đồng thời nâng cao cả chất lượng luật và pháp lệnh, lựa chọn như vậy thì tất nhiên Chính phủ vất vả, các Bộ vất vả, các cơ quan của QH vất vả và QH vất vả. 

Tại sao phải chọn con đường vất vả? Vì cuộc sống đang đòi hỏi chúng ta ra luật và pháp lệnh, đòi hỏi chính phủ, các Bộ cụ thể hoá một số điều hướng dẫn trong hệ thống hành pháp của mình để đưa luật vào cuộc sống. Cuộc sống đang đòi hỏi nhiều mà chúng ta giảm bớt đi thì không đúng.

Khi ta chấp nhận cái vất vả này thì ta phải lớn lên, phải nâng lên. Khả năng ta có vậy là giảm đi thì không đúng là vai trò công bộc của dân, về thị trường không đúng với thị trường. 

Chúng ta phải lấy đòi hỏi của cuộc sống để làm thước đo. QH phải đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống chứ không phải cuộc sống phải theo năng lực của QH. Năng lực của QH có thấp thì phải nâng lên để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Năng lực của chính phủ, các Bộ có thấp phải nâng lên để đáp ứng đòi hòi quản lý.

Nếu thấy chính phủ trình luật mà chưa đạt yêu cầu mà dừng lại thì trễ, góp sức vào để tới mức có thể chấp nhận được thì mới cần thiết.

Chính phủ: khó! QH: cũng khó!

Vấn đề lớn thứ hai. Qua giám sát này thấy gì? Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh nói chung là chậm, có trường hợp rất chậm, chất lượng thì còn thấp. Thực trạng đó ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu lực, hiệu quả của pháp luật mà QH ban hành.

Nguyên nhân: Thoạt nhìn thấy rằng trách nhiệm trực tiếp của thực trạng đó phải chăng trước hết thuộc các ông Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cao nhất là chính phủ, và có phần quan trọng của QH trong hoạt động lập pháp và giám sát của mình.

Nhìn kỹ lại cũng phải thấy cái khó của Chính phủ, các Bộ ngành vì luật được QH thông qua không ít điều còn quy định chung chung, không chứa nội dung điều chỉnh trực tiếp mà lại giao lại cho chính phủ cụ thể vừa hướng dẫn thi hành. Những vấn đề này nhiều khi lại là những vấn đề khó, nên chính phủ, các Bộ ngành hướng dẫn không kịp thời và thường thì rất chậm trễ. Có trường hợp hướng dẫn không đúng tinh thần của luật.

Nhìn ngược lại, chúng ta thấy cái khó của QH, QH không muốn giao cái khó cho chính phủ nhưng QH phải thông qua các luật có không ít điều còn quy định chung chung, không có nội dung điều chỉnh trực tiếp vì nhiều Bộ, ngành soạn thảo chuẩn bị trình chính phủ xem xét cho ý kiến để trình QH thì còn khá nhiều điều còn chung chung như vậy. Nhưng QH cũng khó quyết định cụ thể hơn được, mặc dù phải ghi nhận QH có cố gắng nhiều đề khắc phục nhược điểm này. Không thể nào thay được các khâu soạn thảo, khâu của các Bộ và của chính phủ rất quan trọng.

Từ đó thấy nguyên nhân là một vòng khép kín, khâu này phụ thuộc khâu kia, mỗi khâu có trách nhiệm cụ thể của mình. 

Muốn nhấn mạnh trách nhiệm của Bộ trưởng, chánh án toà án nhân dân tối cao, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khâu soạn thảo là khâu đầu tiên có vị trí hết sức quan trọng chất lượng các dự án luật và văn bản quy phạm pháp luật. Không phải đổ trách nhiệm cho Bộ trưởng. Phải chọn khâu có ý nghĩa quan trọng để đột phá. 

Đứng về lập pháp thì Bộ trưởng là nhà chính sách, nhà tổ chức và quản lý thực hiện chính sách. Khi nhận chức Bộ trưởng thì vị Bộ trưởng đó phải tìm hiểu ngay tình hình pháp luật nói chung và pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách. Những vấn đề chưa có chính sách, chưa được luật hoá hoặc có rồi nhưng chưa có thông tư, nghị định hướng dẫn nhưng cần sửa đổi. Các Bộ trưởng nhất thiết giành sự quan tâm và thời gian thích đáng hàng đầu cho chính sách và luật hoá chính sách. 

Thiếu những quy định của pháp luật, thiếu những nghị định thông tư, thiếu những định mức chế độ tiêu chí tiêu chuẩn phù hợp với cuộc sống thì ông Bộ trưởng, chánh án không có cơ sở pháp lý đầy đủ, gây khó khăn cho nhân dân. Không bổ sung kịp thời đã có cũng không được.

QH chỉ biểu quyết, không thể làm từ A đến Z!

Chúng ta phải đưa cuộc sống vào luật, phải luật hoá cuộc sống. Luật pháp phải phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với thực tiễn VN, không được chủ quan áp đặt. Chúng ta phải cải tiến cơ bản kỹ thuật lập pháp theo hướng ngày càng cụ thể hoá chính sách và chế tài điều chỉnh trực tiếp, để khi luật ban hành thì có thể thực hiện được ngay, giảm tới mức tối các điều luật không chứa quy phạm pháp luật. 

Đến năm 2020 luật hoá tất cả các chính sách, minh bạch hoá và điều chỉnh trực tiếp quan hệ xã hội. UBTV QH không phải ra pháp lệnh nữa, chính phủ tổ chức thực hiện, chính phủ chỉ ra nghị định những điều mà QH giao cho hướng dẫn thi hành và quy định hướng dẫn cụ thể trong hệ thống hành pháp của chính phủ. Nghị định không phải cụ thể hoá luật. Thông tư không phải cụ thể hoá nghị định. Như thế mất thời gian. Nói trên chưa hướng dẫn nên chưa thi hành là không đúng. Luật có hiệu lực từ khi nào rõ rồi, chỉ hướng dẫn những điều QH giao lại cho chính phủ.

Chất lượng luật liên quan trực tiếp đến chất lượng đội ngũ pháp chế từng Bộ. Lực lượng cán bộ còn thiếu nhất là khả năng tham mưu và đề xuất với lãnh đạo về chính sách, chế tài trong xây dựng, bổ sung luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn. Phải lo đến lực lượng chuyên gia và chuyên viên. Nếu lực lượng này yếu và không có thì cứ phê phán lẫn nhau. Các Bộ phải tăng cường xây dựng lực lượng pháp chế. Có Bộ còn chưa có Vụ pháp chế. Các cơ quan pháp luật cũng vậy. 

QH chỉ bàn luận, biểu quyết những vấn đề cuối cùng, chứ không phải làm từ A  đến Z, đi bàn từ dấu chấm... Vậy, phải xây dựng hệ thống pháp chế!

  • PV - Vietnamnet