Quy chế này được xem như là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đi đến loại trừ tận gốc tệ nạn biếu xén vật chất (tiền) lấy từ công quỹ, quỹ đoàn thể và các tổ chức xã hội, vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm thành lập, mừng công...
Dự thảo quy chế quy định rõ: Người nhà của CBCC, viên chức gồm bố mẹ, vợ, chồng, anh chị em ruột, con ( để tránh tình trạng tặng quà cho CBCC thông qua người nhà) trong trường hợp không thể từ chối nhận, hoặc người thân đã nhận quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn thì đối tượng phải công khai báo cáo với thủ trưởng cơ quan và nộp lại quà tặng...Quy chế này còn nói rõ chỉ được phép nhận quà tặng có giá trị dưới 500.000 đồng(!?).
Trước đây chúng ta cũng đã từng có các quy định nghiêm cấm cán bộ nhận quà biếu dưới bất cứ hình thức nào, với quy mô quà biếu ra sao, bằng các nguồn tiền, tài sản của nhà nước, tập thể. Nhưng cho đến nay chưa thấy cơ quan chức năng tổng kết, đánh giá đầy đủ, khách quan về việc thực hiện các quy định này. Và điều đáng nói là tệ nạn dùng của công để biếu xén vẫn không ngừng phát triển.
So với các quy định trước, dự thảo quy chế mới chặt chẽ và chi tiết hơn, song vẫn còn nhiều vấn đề cần được bàn thêm. Chẳng hạn: Trong những trường hợp nào được xem là “không thể từ chối” quà tặng? Đã “kiên quyết không nhận quà tặng dưới bất cứ hình thức nào” thì sao lại còn “mở lối thoát”… không thể từ chối. Có phải vì người đưa quà nài ép quá không?!
Về các quy định như: “người thân nhận quà không đúng chế độ, tiêu chuẩn...”, “...chỉ được phép nhận quà có giá trị dưới 500.000đ”, thì làm sao biết được người nhận món quà đó không đúng chế độ, tiêu chuẩn để quyết định nhận hay không? Làm sao người nhận biết được “gói quà” giá trị bao nhiêu; và nếu người tặng đưa nhiều phần quà trong một khoảng thời gian nhất định có giá trị dưới 500.000đ cho một đối tượng thì có hợp pháp không?
Nêu những vấn đề như nói trên để thấy rằng sẽ có 1.001 cách để... lách luật - để đưa và nhận quà “trên mức tình cảm”. Liệu Quy chế công khai quà biếu sắp được ban hành có khả thi?
(SGGP)