Sau vụ tiêu cực tại PMU18, vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA đang được dư luận và các nhà tài trợ cho Việt Nam đặc biệt quan tâm. Ông Trần Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết:
- Trong thời gian qua, các văn bản pháp quy có liên quan đến ODA đã tỏ ra không tương thích, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án. Đây là một trong những lý do phải sửa đổi các văn bản pháp quy này, trong đó có Nghị định 17 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các dự án ODA. Nhanh nhất là trong tháng 10, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới.
* Để quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA, theo dự thảo Nghị định 17 sửa đổi, tới đây việc thực hiện quản lý nguồn vốn này sẽ như thế nào?
- Nội dung quan trọng của Nghị định 17 sửa đổi là Chính phủ sẽ phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương quản lý các dự án ODA, không phụ thuộc đó là dự án nhóm A, B hay C.
Chẳng hạn, trước đây dự án nhóm A thường phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư, nay phân cấp cho bộ, ngành, UBND các địa phương có dự án thẩm định, phê duyệt và thực hiện. Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định các dự án trọng điểm quốc gia mà QH cho chủ trương đầu tư.
Theo hướng phân cấp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung hai công việc chính là quản lý khâu đầu và khâu cuối: Căn cứ vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của Chính phủ, ngành, địa phương và tiêu chí lựa chọn, bộ sẽ xây dựng danh mục dự án kêu gọi tài trợ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ODA, cụ thể là đảm nhiệm việc theo dõi tình hình thực hiện dự án, hậu kiểm và đánh giá kết quả thực hiện.
Toàn bộ "khâu giữa" từ chuẩn bị dự án, thẩm định, phê duyệt, đàm phán và ký kết Hiệp định đều được phân cấp cho cơ quan chủ quản và chủ đầu tư. Đây là một điểm rất mới, khác với trước đây, "quả bóng" trách nhiệm thường bị đẩy lên Chính phủ hoặc không rõ trách nhiệm.
Theo Nghị định 17 (sửa đổi), các PMU sẽ hoạt động theo hai mô hình chính: Đơn cấp và đa cấp. Đơn cấp thì chủ đầu tư ra quyết định thành lập PMU hoặc thuê "PMU". Còn đa cấp có thể là cơ quan chủ quản quyết định chọn chủ đầu tư và chủ đầu tư quyết định thành lập PMU hoặc thuê "PMU" hoặc có thể "cồng kềnh hơn" trong trường hợp dự án có nhiều bên tham gia và thụ hưởng. (Ông Trần Mạnh Cường). |
* Dư luận đặc biệt quan tâm là khi Nghị định 17 sửa đổi được ban hành sẽ quy định rõ nhiệm vụ của chủ đầu tư và các PMU ra sao?
- Đây là vấn đề mà Nghị định 17 sửa đổi sẽ làm, phân định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của chủ đầu tư và PMU theo hướng tương thích với các nghị định có liên quan khác (có tính đến đặc thù của ODA).
Thí dụ, Nghị định 16 sửa đổi (nay là Nghị định 112) vừa được Chính phủ ban hành cuối tháng 9 quy định: Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thì phải thành lập PMU để giúp chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án. Trong trường hợp cần thiết, PMU có thể thuê tư vấn quản lý, giám sát một số phần việc của dự án.
Trường hợp thứ hai, chủ đầu tư có thể thuê tư vấn quản lý dự án (có thể hiểu đây là hình thức thuê "PMU") theo hình thức ký hợp đồng với chủ đầu tư, tuy nhiên chủ đầu tư phải có đầu mối kiểm tra theo dõi việc thực hiện hợp đồng của tư vấn. Chủ đầu tư được giao vốn ODA chịu trách nhiệm kể từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng.
* Nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại việc phân cấp giao dự án ODA về cho địa phương quản lý, thực hiện sẽ khá khó khăn do năng lực của địa phương còn hạn chế, ông nghĩ sao về điều này?
- Đến nay đã là năm thứ 13 Việt Nam tiếp nhận viện trợ ODA. Vì vậy, năng lực quản lý và thực hiện dự án ODA đã được tăng cường đáng kể. Việc phân cấp cho địa phương là phù hợp với chủ trương của Chính phủ, hơn nữa việc phân cấp sẽ tạo thế chủ động cũng như tính trách nhiệm cao cho địa phương trong việc quản lý và thực hiện dự án ODA.
* Xin cảm ơn ông!
(Theo Lao động)