Về lâu dài, để có thể đáp ứng yêu cầu tham gia và thực thi Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế, một văn bản pháp lý cao hơn, mà cụ thể là Luật Nuôi con nuôi sẽ sớm được ban hành.
Hoàn thiện khung pháp luật về nuôi con nuôi
Nhằm cải tiến một số thủ tục theo hướng minh bạch, công khai, thông thoáng, dễ dàng cho người xin con nuôi nhưng vẫn đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, để tiếp cận tốt hơn với các yêu cầu đòi hỏi của Công ước La Haye mà nước ta đang chuẩn bị ký kết, ngày 21-7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP. Đây là bước đệm để tiến tới ban hành Luật Nuôi con nuôi, trong đó xử lý tổng thể các vấn đề con nuôi quốc tế và trong nước. Luật Nuôi con nuôi đã được Bộ Tư pháp đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2007.
Việc ban hành luật sẽ khắc phục các vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi và các văn bản có liên quan, đảm bảo tuân thủ nghiêm minh các nguyên tắc nhân đạo cao cả của Công ước La Haye mà nước ta đang sắp sửa tham gia, minh bạch hóa các vấn đề liên quan đến việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, đặt vấn đề nuôi con nuôi quốc tế dưới sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước nhằm bảo vệ tốt nhất quyền của trẻ em, ngăn ngừa mọi biểu hiện tiêu cực, trục lợi, tạo môi trường pháp lý lành mạnh để giải quyết vấn đề tìm mái ấm cho các trẻ em có hoàn cảnh éo le.
Bảo đảm tính hiệu quả của cơ chế thực thi
Hoàn thiện một bước quan trọng pháp luật về nuôi con nuôi, Luật Nuôi con nuôi sẽ đặc biệt chú trọng tăng cường cơ chế đảm bảo thực thi đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ trung ương xuống địa phương, theo tinh thần cải cách hành chính. Theo đó, yêu cầu đầu tiên phải là sớm áp dụng việc trung ương hóa một số khâu cần thiết trong quy trình giải quyết cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài. Trung ương cần nắm được tổng thể, chính xác dữ liệu về trẻ đủ điều kiện được cho làm con nuôi người nước ngoài (mở rộng đáng kể diện các cơ sở nuôi dưỡng được cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài so với hiện nay), quản lý thống nhất hoạt động của các tổ chức con nuôi nước ngoài (kể cả tổ chức con nuôi trong nước nếu được cho phép hoạt động trong tương lai), điều chỉnh việc ghép hồ sơ của trẻ với hồ sơ của người xin con nuôi... Việc phân định rõ thẩm quyền như vậy sẽ xác định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan hữu quan tham gia vào quy trình giải quyết việc cho trẻ làm con nuôi.
Bên cạnh đó, Luật này sẽ đề cập đến công tác tăng cường năng lực cho cơ quan chuyên môn của Cục Con nuôi quốc tế - Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức chức năng liên quan của địa phương, đủ sức xử lý các thủ tục tác nghiệp về việc giải quyết cho trẻ làm con nuôi theo hướng chuyên môn hóa và hiện đại hóa. Trước mắt, mẫu hóa các giấy tờ có liên quan và công khai trên mạng để những ai quan tâm đều có thể tiếp cận được. Toàn bộ trình tự, thủ tục giải quyết cũng được đưa lên mạng để công chúng biết và có thể kiểm tra, giám sát.
Trong tương lai không xa, sẽ thiết lập mạng dữ liệu thống nhất trên phạm vi toàn quốc về trẻ em được cho làm con nuôi và người xin con nuôi, xử lý các thủ tục giải quyết cho con nuôi trên mạng. Muốn mạng dữ liệu trên phát huy tối đa hiệu quả, Luật đặt ra vấn đề nên có chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia vừa nắm vững các vấn đề pháp luật về nuôi con nuôi, vừa có trình độ kỹ thuật về sử dụng và vận hành quản lý mạng.
Cũng liên quan đến quy trình giải quyết nuôi con nuôi quốc tế, Luật Nuôi con nuôi sẽ tạo lập một cơ chế tài chính theo hướng đảm bảo áp dụng thống nhất các khoản thu như phí, lệ phí; ấn định mức trần hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng và quản lý chặt chẽ các khoản thu này. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành các quy định chi tiết về phí, lệ phí và quy chế quản lý các khoản hỗ trợ nhân đạo cho cơ sở nuôi dưỡng, và khi Luật ra đời sẽ minh bạch hóa, công khai hóa toàn bộ các vấn đề tài chính.
( Pháp luật Việt Nam)