Tại cuộc họp, các thành viên của Tổ công tác nhất trí thông qua Quy chế làm việc, trong đó nêu rõ: Tổ công tác và các thành viên của Tổ phối hợp, trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để tìm hiểu, kịp thời phát hiện những cản trở, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Tổ công tác cũng có quyền tiếp nhận kiến nghị, cùng phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc rà soát, đánh giá và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải pháp bổ sung, sửa đổi các quy định không còn phù hợp.
Trong trường hợp có các quy định khác nhau về cùng một vấn đề hoặc có các cách hiểu khác nhau về cùng một quy định cụ thể, căn cứ vào tính hợp lý và điều kiện thực tế của vấn đề có liên quan, Tổ công tác sẽ kiến nghị lựa chọn và áp dụng quy định theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tổ công tác chia thành 2 nhóm chuyên trách gồm: Nhóm chuyên trách thực hiện Luật Doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nhóm trưởng; Nhóm chuyên trách thực hiện Luật Đầu tư do ông Phạm Mạnh Dũng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm nhóm trưởng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, Tổ phó Tổ công tác, cho rằng, cần phải xác định đội ngũ phóng viên báo chí chính là những vệ tinh, những chiến sĩ trên mặt trận phát hiện kịp thời những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó phối hợp chặt chẽ cùng với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước.
Từ nay đến cuối năm 2006, các thành viên Tổ công tác tập trung vào việc theo dõi, đôn đốc và tham gia soạn thảo đầy đủ các quy định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, nhất là các quy định hướng dẫn thủ tục đăng ký kinh doanh, thẩm tra đầu tư; chuẩn hóa quy trình đăng ký, thẩm tra và điều chỉnh dự án đầu tư. Đồng thời, Tổ công tác sẽ tập hợp, phân tích những vấn đề vướng mắc của người đầu tư, doanh nghiệp, của cơ quan nhà nước trực tiếp chịu trách nhiệm thi hành luật; trên cơ sở đó có hướng dẫn thống nhất triển khai hoặc báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, Tổ công tác tập trung rà soát, nghiên cứu và kiến nghị các vấn đề bao gồm: bãi bỏ một số quy định và giấy phép không cần thiết của dịch vụ văn hóa; bổ sung, sửa đổi các quy định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, chưa hợp lý, thiếu thống nhất đối với dịch vụ vận tải; cách thức thực hiện bổ sung, sửa đổi đối với dịch vụ y tế;...
Đầu năm 2007, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi, tập hợp và đề xuất phương án giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện luật; tập hợp và kiến nghị xử lý các loại "giấy phép không tên" gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quy định về điều kiện đầu tư đối với trong nước và nước ngoài để cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và nhà đầu tư dễ thực hiện; đồng thời, rà soát những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đầu tư và các quy định khác liên quan đến thủ tục đầu tư, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý cụ thể.
(Theo website Chính phủ)