Ngày 22/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024.
Mục đích của Kế hoạch
Kế hoạch nhằm:
- Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ và các cơ quan liên quan được Quốc hội giao tại Điều 3 Nghị quyết số 105/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua ngày 09/11/2023 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
- Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 32/2020/NĐ-CP) - sau đây viết chung là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP
- Xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên phạm vi cả nước để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
03 lĩnh vực trọng tâm thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trong năm 2024
Kế hoạch xác định 03 lĩnh vực trọng tâm thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trong năm 2024 gồm:
- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm:
+ Phạm vi theo dõi: Việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
+ Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023.
+ Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.
- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý thuế:
+ Phạm vi theo dõi: Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
+ Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023.
+ Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.
- Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm:
+ Phạm vi theo dõi: Việc thi hành Luật Xuất bản 2012.
+ Thời gian theo dõi: Từ năm 2019 đến hết năm 2023.
+ Đối tượng theo dõi: Các bộ, ngành liên quan và địa phương trên phạm vi cả nước.
Về hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Kế hoạch cũng đặt ra các hoạt động là:
- Ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành;
- Xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành;
- Kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành;
- Tổ chức Hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đối với các lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hội nghị xử lý kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật.
Kế hoạch giao Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi quản lý nhà nước được giao, có trách nhiệm:
a) Kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, ngành, địa phương;
b) Bố trí công chức thực hiện nhiệm vụ, kinh phí và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật hiệu quả, đúng pháp luật;
c) Công bố công khai kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trừ các nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước;
d) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch;
đ) Tổng hợp kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trong Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 của Bộ, ngành, địa phương và gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 10/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.