Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài: Chú trọng ưu tiên môi trường gia đình gốc

14/03/2024
Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài: Chú trọng ưu tiên môi trường gia đình gốc
Hơn 10 năm qua, việc thực hiện Luật Nuôi con nuôi và thực thi Công ước La Hay 1993 đã góp phần thúc đẩy hệ thống đăng ký nuôi con nuôi trong nước, trong đó chú trọng công tác ưu tiên môi trường gia đình gốc, thực hiện các biện pháp chăm sóc thay thế khác và tìm gia đình thay thế trong nước trước khi giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Theo số liệu từ Bộ Tư pháp, tính đến nay, trên toàn quốc đã giải quyết được hơn 3.896 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, theo đó 1.071 trường hợp trẻ em thuộc diện là con riêng, cháu ruột của người nhận con nuôi (chiếm hơn 27,4%) và 2.825 trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội (chiếm gần 72,6%).
Trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài đối với những trẻ em sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội, các cơ quan có thẩm quyền đã tuân thủ nguyên tắc tìm gia đình thay thế trong nước theo quy định tại Điều 15 của Luật Nuôi con nuôi. Thủ tục này có ý nghĩa nhằm đáp ứng nguyên tắc bổ trợ của Công ước, tăng cơ hội để trẻ em được nhận làm con nuôi trong nước trước khi giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, ngăn ngừa việc tách trẻ em ra khỏi gia đình gốc một cách không cần thiết và tái đoàn tụ gia đình gốc cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sau một thời gian được giao chăm sóc tạm thời, giao chăm sóc thay thế tại các gia đình hoặc cơ sở trợ giúp xã hội.
Đồng thời, để tăng cường thực hiện nguyên tắc ưu tiên gia đình gốc (khoản 8 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi quy định gia đình gốc là gia đình của những người có quan hệ huyết thống), trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện được cho làm con nuôi ở nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền xác định được cha, mẹ đẻ của trẻ em đều tiến hành thủ tục lấy ý kiến đồng ý cho trẻ em làm con nuôi sau khi đã tư vấn hệ quả của việc nuôi con nuôi nước ngoài, về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và người con được cho làm con nuôi. Có trường hợp, cha, mẹ đẻ đã nhận lại con để tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng.
Trong quá trình giải quyết nuôi con nuôi, các cơ quan đăng ký nuôi con nuôi trong nước đã bắt đầu chú ý thực hiện nguyên tắc ưu tiên cho trẻ em sống tại môi trường gia đình gốc và tránh tách trẻ em ra khỏi gia đình gốc một cách không cần thiết. Quá trình quản lý nhà nước về nuôi con nuôi cho thấy đã có sự chuyển đổi từ các hình thức chăm sóc thay thế khác sang biện pháp nuôi con nuôi. Đây là một bước tiến triển mới trong công tác giải quyết nuôi con nuôi trong hệ thống chính sách chung về trẻ em, đồng thời đặt ra xu hướng hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi.
Cùng với việc thực thi Luật Nuôi con nuôi và Công ước, việc nuôi con nuôi đã được Quốc hội ghi nhận tại Điều 61 Luật Trẻ em năm 2016, là một biện pháp chăm sóc thay thế dành cho trẻ em cần được chăm sóc thay thế. Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng đã quy định về quan hệ cha mẹ nuôi với con nuôi cũng như quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi (các Điều 5, 68 và 78).
Đây là một bước ngoặt trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi, gắn kết nuôi con nuôi trong hệ thống chính sách về bảo vệ trẻ em cũng như quyền lợi của trẻ em được nhận nuôi trong môi trường gia đình.
Qua quá trình thực hiện nghĩa vụ của Công ước, các cơ quan có thẩm quyền của nước ta đã tập trung tăng cường nguồn lực nhằm thu thập và lưu giữ số liệu thống kê thông qua nhiệm vụ theo dõi tình hình phát triển của trẻ em sau khi được nhận làm con nuôi, số hóa các hồ sơ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, thống kê số liệu giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật trong nước và Công ước.
Việc lưu giữ số liệu và thông tin thống kê giúp cho cơ quan trung ương hiểu được nhu cầu của trẻ em ở nước mình và cung cấp dữ liệu con nuôi trong nước và quốc tế, phục vụ cho những nhiệm vụ quản lý nhà nước về nuôi con nuôi và thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên theo Điều 30 Công ước, bảo đảm trẻ em được tiếp cận các thông tin về nguồn gốc của mình.
Thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực thi Công ước, tăng cường hơn nữa công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các cơ ở trợ giúp xã hội.
Đồng thời nhằm đảm bảo Công ước tiếp tục được thực hiện có hiệu quả về chất lượng, cần tính tới tiếp tục nội luật hóa Công ước, theo hướng thiết lập hệ thống dịch vụ hỗ trợ việc nuôi con nuôi trước, trong và sau khi giải quyết việc nuôi con nuôi. Trong hệ thống chính sách và pháp luật về nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi trong nước phải được chuẩn bị và đánh giá các điều kiện về tâm lý, gia đình và xã hội, được tập huấn kỹ lưỡng về kỹ năng làm cha mẹ nuôi.
 Trẻ em được nhận làm con nuôi phải được những nhà chuyên môn về tâm lý và xã hội đánh giá về nhu cầu cần được nhận làm con nuôi của trẻ; đặc biệt các cơ quan có thẩm quyền phải tìm được những gia đình cha mẹ nuôi phù hợp với đặc điểm và nhu cầu và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em được cho làm con nuôi.
Thiên Thanh