Theo Bộ Công an, cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh, thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu, gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu; Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dữ liệu là yếu tố quan trọng tạo ra giá trị kinh tế
Theo Bộ Công an, những năm qua, thực hiện các quy định pháp luật có liên quan đến dữ liệu đã cho thấy sự quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển đối với lĩnh vực này, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của dữ liệu tại Việt Nam. Dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá và là yếu tố quan trọng tạo ra giá trị kinh tế.
Phát triển dữ liệu tạo nền tảng cho triển khai, đảm bảo cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định pháp luật để phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Việc triển khai thi hành văn bản pháp luật về dữ liệu đã góp phần hoàn thiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dữ liệu, nâng cao vị trí của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới và đảm bảo an ninh, an toàn, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hiệu quả đã đạt được thì vẫn tồn tại một số hạn chế như: Hành lang pháp lý về dữ liệu của nước ta vẫn còn chưa đầy đủ; Chưa có tiêu chuẩn về dữ liệu thống nhất dẫn đến đang có nhiều loại dữ liệu gồm các độ mật dữ liệu, dữ liệu nhạy cảm, dữ liệu mở… cơ chế kết nối, chia sẻ giữa các đơn vị không thống nhất và phù hợp.
Qua rà soát, Bộ Công an thấy nước ta hiện có 69 luật đang quy định về CSDL (CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành). Trong đó, chỉ có một số luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản CSDL trong việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong CSDL.
Hiện nay trên cơ sở các quy định pháp luật, các bộ ngành, địa phương đã triển khai xây dựng các CSDL phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có gần 40 CSDL quốc gia và gần 50 CSDL chuyên ngành. Tuy nhiên, hầu hết các luật đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các CSDL; chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn…
Do đó, cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh các vấn đề nêu trên nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đánh giá tác động, Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dữ liệu với 4 chính sách lớn, gồm: quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quy định về CSDL tổng hợp quốc gia; quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia và quy định về sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dữ liệu cho phù hợp với quy định của luật Dữ liệu dù việc xây dựng luật này không ảnh hưởng, mâu thuẫn với các luật quy định có liên quan về dữ liệu.
Bộ Công an kiến nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu trong thời gian tới, ví dụ như tăng cường đầu tư tập trung, đào tạo, có chế độ chính sách, đãi ngộ đối với nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao và đầu tư kinh phí, trang bị vật tư, phương tiện, hạ tầng hiện đại để phát triển dữ liệu.
Tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến về lĩnh vực về dữ liệu
Các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó lĩnh vực về dữ liệu được xác định là nội dung quan trọng. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu được thể hiện đa dạng, linh hoạt, đa chiều, dưới nhiều hình thức khác nhau như trên các phương tiện thông tin đại chúng và nền tảng số, tập huấn, hội thảo, hội nghị, ứng dụng, phần mềm trên internet như Cổng/trang thông tin điện tử, zalo, facebook….; tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tại các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, nơi công cộng; triển lãm tranh, ảnh; hội thi tìm hiểu pháp luật... Bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để các quy định pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động này đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân hiểu rõ hơn chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về dữ liệu, từng bước nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các quy định về khai thác và sử dụng dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin lưu trữ dữ liệu.
Công tác tuyên truyền được tập trung vào việc phản ánh kết quả triển khai xây dựng CSDL; những ứng dụng, hiệu quả thiết thực của việc dữ liệu, xây dựng CSDL, kết nối, chia sẻ dữ liệu vào thực tiễn; kinh nghiệm phát triển, bảo đảm an ninh, an toàn của dữ liệu, CSDL và trung tâm dữ liệu trên thế giới. Kịp thời phát hiện, lan tỏa gương tập thể, cá nhân điển hình, mô hình hay, sáng tạo trong triển khai, thực hiện các CSDL nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của các tầng lớp Nhân dân.
Nhiều cuộc thi tìm hiểu về dữ liệu đã được tổ chức như: Dữ liệu số với cuộc sống - Data for life (C06-Bộ Công an), Cuộc thi khoa học dữ liệu – UIT Data Science Challenge 2023 (Trường Đại học Công nghệ thông tin); Cuộc thi Phân tích dữ liệu DAZONE 2023, Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khoa học dữ liệu (Trường Đại học Ngoại thương), Data Got Talent 2023 (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), Vietnam Datathon 2023 với chủ đề "Cách mạng hóa tương lai của ngành bán lẻ dựa trên dữ liệu"… nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu, ứng dụng dữ liệu vào cuộc sống, phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong giới trẻ.
Việt Nam cũng đã đạt được thành tích ấn tượng tại các cuộc thi quốc tế về an toàn thông tin ở cấp độ chuyên gia và cả cấp độ trẻ, cụ thể: đội chuyên gia của Viettel vô địch cuộc thi uy tín nhất thế giới trong giới chuyên gia Pwn2Own; đội sinh viên của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vô địch cuộc thi ASEAN Cyber Shield, vượt qua 37 đội đến từ 10 nước ASEAN; đội sinh viên của Đại học Bách Khoa Hà Nội vô địch cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin, vượt qua 233 đội đến từ 10 nước ASEAN.
Văn bản quy phạm pháp luật có quy định về dữ liệu:
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy phát triển dữ liệu, chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Về CSDL, có 69 Luật quy định, như: Luật Cư trú, Luật Căn cước, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hộ tịch, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Đất đai, Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ….
Đặc biệt, ngay trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông và Luật Căn cước, là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh phát triển dữ liệu.
- Luật Giao dịch điện tử tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử; phát triển giao dịch điện tử toàn diện bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý giao dịch điện tử thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn..
- Luật Viễn thông nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng viễn thông tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số; bổ sung quy định về các dịch vụ viễn thông mới, bao gồm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu; xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số; kịp thời khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành, các cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
- Luật Căn cước được thông qua là bước đột phá trong đổi mới quản lý dân cư, đảm bảo tốt hơn quyền lợi ích hợp pháp của công dân, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của CSDL quốc gia về dân cư, thẻ căn cước vào công tác quản lý Nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ công dân số,… phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. |