Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã trong công tác hoà giải ở cơ sở

14/03/2024
Thời gian qua, công tác hoà giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn cơ sở và lực lượng Công an xã có thể triển khai nhiều hoạt động gắn với hoà giải ở cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương mình.
Thực tế cho thấy, vượt qua mọi khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy trong toàn quốc đã nhanh chóng triển khai bám cơ sở, bám dân; tham mưu với cấp uỷ, chính quyền cơ sở ban hành và triển khai kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự được thực hiện kịp thời, phù hợp với tính chất đặc thù của từng địa bàn.
Trong đó, tại một số địa phương, lực lượng Công an xã đã kịp thời tham mưu với cấp uỷ, UBND cùng cấp đẩy mạnh công tác củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải trên địa bàn; đưa Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn vào làm thành viên tổ hoà giải để tăng cường công tác nắm tình hình những mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, từ đó giải quyết kịp thời, dứt điểm không để mâu thuẫn trở nên phức tạp, kéo dài, phát sinh tội phạm. Qua đó, chất lượng công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được nâng lên, có những chuyển biến rõ nét trong kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng hình ảnh lực lượng Công an nhân dân gần dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tất cả vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng Công an nhân dân ở cơ sở trong công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này, từ đó phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa, từ cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Công an xã nói riêng.
Cụ thể, cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, những vấn đề nổi cộm liên quan đến đời sống, tệ nạn xã hội tại địa bàn nhằm triệt tiêu những nguyên nhân có thể phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp và hành vi vi phạm pháp luật; quan tâm điều chỉnh điều hoà lợi ích, các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư tại cơ sở để công tác hoà giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao.
Làm tốt công tác tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hoà giải và hoà giải viên, theo đó, cần quy tụ, tập hợp và nâng cao trách nhiệm của các lực lượng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng tích cực tham gia hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, không để kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Bên cạnh đó, thường xuyên cung cấp tài liệu và các văn bản pháp luật về an ninh, trật tự cho đội ngũ hoà giải viên; kết hợp công tác hoà giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn công tác hoà giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Để phát huy vai trò của lực lượng Công an ở cơ sở trong công tác hoà giải ở cơ sở, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật để am hiểu sâu sắc các vấn đề có thể phát sinh tại cơ sở, từ đó tham mưu hoà giải chính xác, thấu tình đạt lý các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trên địa bàn.
Châu Dương