Triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

20/02/2023
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 17/2/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Để công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện thống nhất ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chính phủ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Về tổ chức quán triệt việc thi hành, công tác thông tin, tuyên truyền, vận động
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:
Tổ chức quán triệt việc thi hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định bằng các hình thức, cách thức phù hợp.
Thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Về rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tiếp tục rà soát và hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền theo tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình chủ trì soạn thảo thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản theo lộ trình phù hợp.
Chậm nhất là 06 tháng kể từ ngày Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có hiệu lực, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đối với văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổng cục, cục được bộ đề xuất Chính phủ giao chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra thì thời hạn hoàn thành là trước ngày 01 tháng 7 năm 2023.
Đối với các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập do sắp xếp, tổ chức lại, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có hiệu lực, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn thành xong các thủ tục sắp xếp, tổ chức lại và ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổ chức, đơn vị.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Tổng cục tổ chức lại thành các cục, vụ và cục thuộc bộ tổ chức lại thành vụ thì việc thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính của tổng cục, cục do Thanh tra bộ, cục thuộc bộ, Ủy ban nhân dân các cấp đang có thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật cho đến khi có quy định mới thay thế.
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi quản lý có trách nhiệm rà soát, xác định các chức danh đang có thẩm quyền xử phạt nhưng có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức hành chính:
- Trường hợp các tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, sau khi được sắp xếp lại có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn nhưng vẫn tiếp tục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thì các chức danh thuộc các tổ chức này do Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt theo Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Trường hợp các tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không phải là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành sau khi được sắp xếp lại có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn hoặc là cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng sau khi được sắp xếp lại không còn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, thì các chức danh thuộc các tổ chức này do Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo khoản 2 Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề xuất cụ thể nội dung sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý.
Kết quả rà soát và nội dung đề xuất gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 15 tháng 3 năm 2023.
Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về tên gọi nhưng không có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó được giữ nguyên. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp để đề xuất sửa đổi tên các chức danh cho phù hợp với chức danh mới tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh.
Bộ Tư pháp tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn (nếu có).
Thời hạn hoàn thành: Quý II năm 2023.
Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nếu có), Bộ Tư pháp xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2023.
Về thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành và các Nghị định quy định tổ chức và hoạt động thanh tra ngành, lĩnh vực trong một số lĩnh vực có sự thay đổi tên gọi của tổ chức cấp cục, chi cục (không thay đổi về chức năng, nhiệm vụ) khi sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc trường hợp sáp nhập/hợp nhất cục, chi cục thì tổ chức mới được tiếp tục được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cho đến khi có quy định mới thay thế.
Trường hợp tổng cục tổ chức lại thành các cục, vụ (có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ) thì việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của tổng cục do cục tổ chức lại từ tổng cục thực hiện sau khi thống nhất ý kiến với Thanh tra Chính phủ; trong trường hợp chưa thống nhất thì do Thanh tra bộ thực hiện.
Trường hợp cục tổ chức lại thành vụ thì việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của cục do Thanh tra bộ thực hiện.
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ việc thực hiện pháp luật về thanh tra chuyên ngành. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về giải quyết một số vướng mắc, khó khăn khi tổ chức lại tổng cục thành cục, cục thuộc bộ thành vụ
Về việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp:
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các hình thức khác phù hợp để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện.
Thời hạn hoàn thành: trước ngày 15 tháng 3 năm 2023.
Về đầu mối quốc gia trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ động rà soát nội dung các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ đang được giao làm đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng phương án xử lý và có văn bản thông báo về việc thay đổi cơ quan, tổ chức làm đầu mối, tổ chức triển khai điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế (nếu có).
Thời hạn hoàn thành: trước ngày 15 tháng 3 năm 2023.
- Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế trao đổi, phối hợp với Bộ Ngoại giao khi có khó khăn, vướng mắc về đối ngoại, để tìm cách tháo gỡ, trường hợp cần thiết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:
Tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp mới được hình thành sau khi sắp xếp, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện việc sắp xếp số lượng lãnh đạo, quản lý, số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư gắn với thực hiện tinh giản biên chế tại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp mới hình thành.
Giải quyết chế độ, chính sách đối với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết chế độ thôi việc, chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác theo pháp luật hiện hành; thực hiện sắp xếp lại số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị sau khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
c) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện danh mục, số lượng vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế phù hợp tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp lại.
Về tài chính, tài sản và cấp đổi, thu hồi con dấu
a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng phương án, đề án tiếp nhận, bàn giao tài sản, tài chính, công nợ (nếu có); sử dụng trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các tổ chức, đơn vị thực hiện giải thể hoặc sắp xếp tổ chức lại bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản khi đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện thủ tục cấp, thu hồi con dấu khi sắp xếp tổ chức theo quy định của pháp luật hiện hành.
b) Việc quản lý, xử lý ngân sách nhà nước, tài sản công của các cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước và quản lý tài sản công. Trong trường hợp khó khăn, vướng mắc, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trao đổi, phối hợp với Bộ Tài chính để có phương án giải quyết.
c) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn về đăng ký, cấp đổi, thu hồi con dấu của các tổ chức, đơn vị khi sắp xếp tổ chức, tổ chức lại theo thẩm quyền.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW và quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp, về số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp.
Về tăng cường năng lực và việc bố trí nguồn lực bảo đảm điều kiện hoạt động cho tổ chức mới được thành lập
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tăng cường năng lực cho tổ chức mới được thành lập, ổn định công việc; quan tâm bố trí nguồn lực, tổ chức công việc hợp lý, hiệu quả để đảm bảo tính thông suốt, kịp thời trong giải quyết công việc với người dân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.