Không được tạo thêm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho người dân

16/02/2023
Không được tạo thêm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho người dân
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 20, sáng 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Theo đó, tại phiên họp, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến một số vấn đề. Trong đó, đề nghị nêu quan điểm về hai vấn đề lớn có ý kiến khác nhau, cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến gồm khái niệm người tiêu dùng liên quan đến phạm vi điều chỉnh và vấn đề giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Ngoài ra, thảo luận vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến tham gia như bảo vệ thông tin, sử dụng thông tin của người tiêu dùng, trách nhiệm của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, trách nhiệm đối với sản phẩm hàng hóa khuyết tật, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, hợp đồng theo mẫu, tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được chuẩn bị khá công phu; đồng thời đánh giá cao ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị rà soát lại, xem xét ngoài 2 vấn đề lớn hiện nay còn có vấn đề nào khác cần xin ý kiến nữa không.
Về các vấn đề xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với khái niệm, Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam. Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến đối với Việt Nam thì có nên hay không. Theo đó, cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả và khả thi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước. Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội cho biết thiên về phương án trình Quốc hội xem xét để chấp nhận quy định như hiện hành.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với phương án 1, đồng thời lưu ý để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật Tố tụng dân sự cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật này để đảm bảo thống nhất với các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành. Chủ tịch Quốc hội cho rằng có thể quy định cụ thể thêm hoặc giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nên phải có quan điểm chính thống về vấn đề này, có phân tích để đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến Điều 5 dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây cũng là vấn đề cần xin ý kiến; đồng thời cần rà soát lại một số quy định có vẻ như đã đưa thêm những điều kiện ràng buộc vượt ra ngoài khuôn khổ cần thiết, thậm chí là vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật tạo thêm gánh nặng tuân thủ pháp luật cho người sản xuất và nhà phân phối. Đây là nhóm quy định cần rà soát để báo cáo sâu với Quốc hội để xem xét và quyết định…
Khen thưởng phù hợp những đóng góp vào hoạt động của Quốc hội
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp.
Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh sự cần thiết và cơ sở ban hành Nghị quyết, đồng thời khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể trong thi đua, khen thưởng và ghi nhận những đóng góp của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoạt động. 
Về quan điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp Luật Thi đua, khen thưởng và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng; phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ, công chức. 
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 38 điều, quy định về 6 nội dung cơ bản sau: về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác thi đua, khen thưởng của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm sẽ tham gia thi đua thường xuyên và xét tặng danh hiệu thi đua ở cơ quan, đơn vị nơi mình công tác; tặng kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối tượng đương nhiên được xét tặng (theo năm công tác) là đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công chức Văn phòng Quốc hội; giao Ban Công tác đại biểu là cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu; hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức với hoạt động của Quốc hội hàng năm. 
Cho ý kiến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết, sớm hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong thời gian tới. 
Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; tổ chức thi đua khen thưởng nên giao Ban Công tác đại biểu; nghiên cứu tách thành 2 văn bản: Nghị quyết về thi đua khen thưởng và Nghị quyết về Kỷ niệm chương, trong đó chú ý đến thiết kế cụ thể về nội dung, hình thức Kỷ niệm chương. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Luật Thi đua, khen thưởng cho phép hình thức thi đua khen thưởng nào thì quy định hình thức đó trong dự thảo Nghị quyết…
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Xã hội tiếp tục phối hợp nghiên cứu và làm rõ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội cũng như các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt là các nội dung về quy trình, thủ tục tổ chức phong trào thi đua; quy trình thủ tục bình xét thi đua gắn với đánh giá cán bộ hàng năm; quy trình thực hiện các hoạt động thi đua thường xuyên, chuyên đề; vấn đề thẩm quyền công nhận có danh hiệu thi đua…/. 
Mai Hà