Tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn

15/02/2023
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 87/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Kế hoạch nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định pháp luật có liên quan và các nội dung của Kế hoạch quốc gia về triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước CAT) tại Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2015; Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn tại Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018; Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2019 và Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam tại Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Từ đó, góp phần nâng cao sự thụ hưởng của người dân đối với các quyền về sức khỏe, thân thể, đặc biệt là không bị tra tấn hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và tăng cường hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, hiệu quả toàn diện các kế hoạch thực hiện Công ước CAT của Việt Nam và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Kế hoạch còn nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, đặc biệt là hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên Công ước và với các cơ quan của Liên hợp quốc trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Nội luật hóa và hoàn thiện pháp luật về phòng chống tra tấn
Một trong những nhiệm vụ của Kế hoạch là: Tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện pháp luật nhằm thực hiện Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn.
Theo đó, tiếp tục rà soát, đánh giá tính tương thích giữa quy định tại các dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Công ước CAT trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường tính tương thích với các quy định của Công ước CAT, bao gồm nghiên cứu khả năng xây dựng định nghĩa về tra tấn theo Điều 1 Công ước và một tội danh riêng về tra tấn trong Bộ luật Hình sự; về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tra tấn không phụ thuộc vào thời gian thực hiện tội phạm.
Xây dựng Báo cáo đánh giá tương thích, cập nhật việc nội luật hóa các quy định của Công ước CAT vào pháp luật trong nước, xác định những quy định pháp luật chưa hoàn toàn tương thích, còn cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi để phù hợp hơn với Công ước CAT; đề xuất, kiến nghị việc tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Công ước trên cơ sở phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chống tra tấn
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, cụ thể:
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong công tác công vụ.
Tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh; bảo quản, lưu trữ, khai thác, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành các quy định về bảo đảm quyền, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Nâng cao hiệu quả và tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, đơn khiếu nại, đơn tố cáo liên quan đốn tra tấn, nhất là tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, đơn tố cáo các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật và các vụ việc được nêu tại Phiên trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia định kỳ trước Ủy ban chống tra tấn và trong Bản khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn.
Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, công khai, theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi liên quan đến tra tấn, nhất là các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, khảo sát, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến tra tấn, nhất là các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; thi hành tạm giữ, tạm giam; điều tra, truy tố, xét xử; thi hành án hình sự, kịp thời phát hiện những sai sót, chấn chỉnh các vi phạm.
Nâng cao chất lượng hoạt động bồi thường, hỗ trợ cho nạn nhân của hành vi tra tấn, nhất là nạn nhân của các hành vi bức cung, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác trong việc khai báo, cung cấp tài liệu, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.
Thống kê, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về chống tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục; về các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tập huấn chuyên sâu về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; về tình hình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến CAT (trong đó lưu ý đến việc phân loại theo giới tính, dân tộc, tôn giáo, phụ nữ, trẻ em).
Nghiên cứu, đề xuất về xây dựng, thống kê, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm liên quan đến tra tấn; về bồi thường thiệt hại và hỗ trợ nạn nhân bị tra tấn (trong đó lưu ý đến việc phân loại theo giới tính, dân tộc, tôn giáo, phụ nữ, trẻ em).
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo pháp luật về phòng, chống tra tấn
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, theo đó:
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương được giao nhiệm vụ có trách nhiệm ban hành Kế hoạch về triển khai thực hiện Công ước CAT theo Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2015; Đề án tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn theo Quyết định số 65/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2018; Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam tại Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT, trong đó ưu tiên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu về các nội dung này hoặc lồng ghép hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung này trong các chương trình, hoạt động khác có liên quan.
Tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý, cập nhật Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tra tấn cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về: nội dung Công ước CAT; pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; Báo cáo quốc gia CAT lần thứ nhất; Bản khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn; Báo cáo giữa kỳ quốc gia CAT lần thứ nhất cập nhật tình hình thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn; các nỗ lực, thành tựu nổi bật khác của Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống tra tấn.
Xây dựng, hoàn thiện Bộ tài liệu tập huấn về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn cho giảng viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật, nhất là giảng viên trong các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ sở đào tạo pháp luật, đào tạo chức danh tư pháp.
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Bộ tài liệu giảng dạy, tập huấn về phòng, chống tra tấn cho sinh viên, học viện tại các cơ sở đào tạo về pháp lý, tư pháp, nhân quyền; cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, nhất là các cán bộ, chiến sĩ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử; thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; khám chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ.
Tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục, tập huấn vệ Công ước CAT, pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn và những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và Nhân dân, bao gồm các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, tôn giáo, người dân sống ở khu vực miền núi, hải đảo; người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng các ngôn ngữ dân tộc khác nhau.
Tăng cường thực hiện hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; truyền thông đối ngoại về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT trên các phương tiện báo chí, truyền thông và trên không gian mạng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung của Kế hoạch này và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn trên phạm vi toàn quốc.
Mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai Công ước CAT
Kế hoạch cũng xác định nhiệm vụ mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế để triển khai hiệu quả Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn như:
Tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia, các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ cho việc thực thi Công ước CAT phù hợp với xu hướng chung của quốc tế và đồng thời phù hợp với điều kiện hiện hữu của Việt Nam.
Tăng cường ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan, trong đó có các quy định về phòng, chống tra tấn.
Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt, cách thức, phương thức triển khai, thực thi Công ước CAT, các khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn cũng như trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và Nhân dân về phòng, chống tra tấn của các quốc gia.
Đẩy mạnh việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật phù hợp của các quốc gia, cơ quan, tổ chức nước ngoài trong triển khai Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, đặc biệt là trong tuyên truyền, tập huấn kiến thức cơ bản về nhân quyền và chống tra tấn cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên các ngành nghề.
Triển khai các hoạt động tuyên truyền đối ngoại về quyền con người tại các nước, tổ chức quốc tế, khu vực; tại các cơ chế, diễn đàn quốc tế đa phương và khu vực.
Tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống tra tấn đã và đang triển khai.