Thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

13/02/2023
Thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước trong tháng 2/2023.
Đổi mới công tác truyền thông về phiên họp thường vụ
Ngày 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thường kỳ tháng 2/2023. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngày 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ tháng 2/2023, diễn ra trong 3 ngày với các nội dung lớn, quan trọng: Cho ý kiến việc tiếp thu chỉnh lý 3 dự án luật: dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) – đây là những dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. 
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, quyết định các nhóm nội dung theo thẩm quyền: Xem xét thông qua dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước (KTNN); Xem xét, cho ý kiến 3 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xem xét, cho ý kiến dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; Xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc; Xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Kỳ họp bất thường lần thứ ba. Xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thẩm quyền. Cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2022 và tháng 1/2023.
Thời gian diễn ra Phiên họp chỉ có 3 ngày nhưng nội dung rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan bố trí, sắp xếp thời gian họp theo quy định để kỳ họp có chất lượng cao nhất, mở đầu cho năm Quý Mão “đại cát vạn sự thành”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan báo chí đổi mới công tác truyền thông, đưa thông tin tổng quan của kỳ họp, giải quyết khối lượng công việc lớn để cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát.
Lần đầu tiên xây dựng văn bản điều chỉnh vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN
Ngay sau phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Báo cáo (tóm tắt) dự án, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh về sự cần thiết, mục đích ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Ông Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.
Đến nay, dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đã được các cơ quan thống nhất cao về bố cục và nội dung. Theo đó, Tổng KTNN nêu một số nội dung cơ bản của dự thảo Pháp lệnh như về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN; về thẩm quyền lập biên bản VPHC; thẩm quyền xử phạt và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; về khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Pháp lệnh và tập trung thảo luận về hai nội dung lớn: các nhóm hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán; thẩm quyền xử phạt, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cùng các vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm; nghe giải trình một số nội dung của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của KTNN và Ủy ban Pháp luật là cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc ban hành Pháp lệnh đến nay là rất cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán. 
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận cơ bản nội dung dự thảo Pháp lệnh được quy định tương đối tốt. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện để ban hành. “Ban hành Pháp lệnh sớm được ngày nào thì có ý nghĩa với hoạt động KTNN ngày đó”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và cho ý kiến về các nội dung cụ thể.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp của các cơ quan trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Theo quy định trong Luật KTNN và Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh này là đúng thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị KTNN, Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tiếp tục làm rõ các ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu. 
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan KTNN và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023./.
Mai Hà