Trong khi Bộ Tài chính đề nghị mức khởi điểm đánh thuế sau khi đã chiết trừ gia cảnh là trên 4 triệu đồng/tháng thì UB Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, từ 5 triệu đồng/tháng trở lên sẽ được lòng dân.
Hôm qua (12/10), dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân đã được đặt lên bàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH). Điểm đáng lưu ý là trong khi Bộ Tài chính đề nghị mức khởi điểm đánh thuế sau khi đã chiết trừ gia cảnh là trên 4 triệu đồng/tháng thì Ủy ban Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật lại cho rằng, từ 5 triệu đồng/tháng trở lên sẽ được lòng dân.
Tuy trong tờ trình của Chính phủ vẫn thận trọng đưa ra cả hai phương án (mức khởi điểm chịu thuế trên 4 hoặc trên 5 triệu đồng) để xin ý kiến Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh vẫn nêu chính kiến: “Chính phủ trình mức 4 triệu/ tháng”.
Phân tích về cơ sở để đưa ra mức khởi điểm chịu thuế này, ông Vũ Văn Ninh nói trường hợp người nộp thuế có 3 người phụ thuộc sẽ được giảm trừ tới 8,8 triệu đồng/tháng (4 triệu cho bản thân và 4,8 triệu cho 3 người phụ thuộc).
Và nếu như họ có thêm người phải nuôi dưỡng thì mức chiết trừ sẽ còn nhiều hơn nữa (mức tối đa có thể chiết trừ là 5 người phụ thuộc và phải nuôi dưỡng, trường hợp này thu nhập trên 12 triệu đồng/ tháng mới phải nộp thuế – PV).
“Theo mức này, ngưỡng chưa thu thuế đối với người có 3 người phụ thuộc phải nuôi dưỡng sẽ cao hơn so với mức hiện hành, bởi vì từ 8,8 triệu trở lên mới bắt đầu chịu thuế trong khi mức hiện hành là trên 5 triệu đồng/tháng nhưng với người độc thân sẽ thấp hơn vì 4 triệu đồng/tháng trở lên họ đã phải đóng thuế so với mức 5 triệu hiện hành”- Ông Vũ Văn Ninh lập luận.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, mức khởi điểm chịu thuế trên 4 triệu đồng/tháng cũng là hợp lý vì đảm bảo tính công bằng của thuế thu nhập cá nhân, khắc phục nhược điểm bình quân của pháp lệnh thuế thu nhập cao hiện hành.
Tuy đồng tình với đa số các nội dung trong dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân, nhưng nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội lại nhất trí với phương án thứ 2 mà Chính phủ trình.
Tức là mức khởi điểm chịu thuế là từ 5 triệu đồng/ tháng, sau khi đã chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế. “Việc lựa chọn mức này là kế thừa mức khởi điểm của thuế thu nhập cao hiện hành, khắc phục sự ảnh hưởng đối với người độc thân và dễ tạo được sự đồng thuận của nhân dân”- Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội nhận định như vậy trong báo cáo thẩm tra.
Lãi tiết kiệm: Không nên thu thuế
Ông Vũ Văn Ninh đã giải trình rất kỹ, với cách tính như dự thảo (có tiền lãi tiết kiệm từ 5 triệu đồng/tháng trở lên mới đánh thuế) thì chỉ những người có số tiền gửi tiết kiệm từ 700 triệu đồng trở lên mới phải chịu thuế.
Hơn thế, ông Ninh còn giải thích cặn kẽ, nếu như số tiền gửi tiết kiệm là 800 triệu đồng, lãi suất khoảng 0,7%/tháng thì lãi mỗi tháng mà người đó thu được sẽ là 5,6 triệu đồng. Nếu vậy, họ sẽ chỉ phải đóng thuế là 30.000 đồng/tháng (0,6 triệu nhân với thuế suất là 5%).
“Như vậy, về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến việc gửi tiền tiết kiệm do số thuế phải nộp không lớn so với mức lãi thu được”- Ông Vũ Văn Ninh khẳng định. Thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Đức Kiên cho hay, Ủy ban Kinh tế- Ngân sách của Quốc hội có hai loại ý kiến là nên đánh và không nên.
Tuy nhiên, Ủy ban này không đưa ra quan điểm cụ thể về vấn đề này. Nhưng phát biểu sau đó, Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn đã nêu ra tới hơn chục cơ sở để kết luận rằng không nên đánh thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm và ý kiến này nhận được sự đồng tình nhiều Ủy viên TVQH.
Kế thừa, tặng cho nhà đất: Đánh thuế hay không?
Trong báo cáo thẩm tra có một số ý kiến đáng lưu ý. Đó là đề nghị không nên coi thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp thừa kế, quà tặng bằng hiện vật chỉ dùng cho sinh hoạt hoặc đầu tư cho sản xuất kinh doanh và trường hợp thừa kế, quà tặng là nhà ở, đất ở nhưng người nhận thừa kế, quà tặng chưa có đất ở, nhà ở hoặc số diện tích bình quân trên đầu người thấo hơn quy định của Luật Đất đai và quy định của địa phương nơi họ cư trú.
Tuy trong tờ trình của Chính phủ không đề cập cụ thể nội dung này nhưng trao đổi với báo giới trong giờ giải lao ông Vũ Văn Ninh tỏ ý đồng tình với cách đặt vấn đề nêu trên (xem thêm bài phỏng vấn ông Vũ Văn Ninh trên cùng số báo này).
Cũng trong quá trình thảo luận, bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề có nên thông qua dự luật này vào thời điểm đầu năm 2007? “Không nên tạo ra thông lệ là luật thông qua rồi nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện.
Và cũng chưa nên thông qua một dự án luật có thời hạn chờ thi hành gấp 3 lần luật khác (các luật thông thường có hiệu lực thi hành sau 6 tháng kể từ ngày được Quốc hội thông qua-PV)”- Bà Tâm Đan nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cũng cho rằng nên để cuối năm 2007 Quốc hội thông qua luật này để đến năm 2009 bắt đầu thực thi.
Hữu Khôi
Có nên đánh thuế trái phiếu, tín phiếu? Nhiều ý kiến cho rằng nếu nhất quán quan điểm tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa Nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác thì cần rà soát, cân nhắc để đưa một số khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế như lãi trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, trái phiếu kho bạc, trái phiếu do địa phương phát hành, thu nhập từ kiều hối vào diện chịu thuế. Những ý kiến ngược lại cho rằng các nguồn vốn trên đang rất cần thiết phải thu hút để gia tăng đầu tư phát triển đất nước, nếu đưa vào thu nhập chịu thuế thì e rằng các nguồn vốn này sẽ giảm đáng kể... Đáng chú ý là nguồn thu nhập từ kiều hối hiện nay chưa bị đánh thuế nên người gửi quà tặng bằng ngoại tệ qua ngân hàng rất lớn, Nhà nước dễ quản lý. Khi bị đánh thuế nhiều khả năng họ tránh phải nộp khoản thuế này bằng cách gửi qua con đường khác, ngoài hệ thống ngân hàng, khi đó Nhà nước sẽ không quản lý được. (Nguồn: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế- Ngân sách) |
(Theo Tiền phong)