Bảng thành tích “siêu khủng” của một chuyên viên pháp chế

17/10/2022
Bảng thành tích “siêu khủng” của một chuyên viên pháp chế
(PLVN) - Trong danh sách hồi âm đề xuất các gương mặt tham gia vinh danh Gương sáng pháp luật từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vũ Quang Tuấn là gương mặt trẻ nhất (sinh năm 1989), hiện đang là Chi ủy viên của Chi bộ Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ. Đi cùng với đó là bảng thành tích “siêu khủng”…

Sức làm việc cực lớn…
27 tuổi được bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm, tương đương hàm Vụ phó, là Vụ phó trẻ nhất của Bộ Tư pháp (thời điểm ấy Tuấn vẫn công tác tại Bộ Tư pháp). Nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp các năm 2015-2016-2018-2020; Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2019 và mới đây nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 
Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động thiện nguyện được Tuấn lên kế hoạch, tổ chức hàng năm khi còn giữ vai trò Bí thư đoàn cơ sở Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS). Từ các chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, tình nguyện mùa đông hàng năm đến các đợt vận động quyên góp, ủng hộ các đối tượng chính sách, các hộ nghèo thuộc các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lụt; quyên góp, trao tặng Tủ sách pháp luật, học bổng, tặng sách, vở, quần áo học sinh nghèo vượt khó…
Mới chuyển công tác sang Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng đóng góp của Tuấn cho công việc chuyên môn cũng rất “quy mô” với “Tổng số văn bản tiếp nhận để nghiên cứu, giải quyết khoảng 400 văn bản; đã nghiên cứu tham mưu trình ký 39 Phiếu trình Lãnh đạo Ủy ban; khoảng hơn 200 công văn, văn bản góp ý”.
Trong đó, đáng chú ý là nghiên cứu tham mưu góp ý 5 Dự án Luật, 1 Nghị quyết, 14 Nghị định, 13 Thông tư, 1 Đề án và một số văn bản khác được phân công. Bên cạnh đó Tuấn còn tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định một số dự thảo quy chế, quy trình nội bộ tại Ủy ban; Thường xuyên phối hợp với các công chức của Vụ nghiên cứu, tham mưu rà soát các quy định pháp luật để phát hiện các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu. 
Đọc tất cả những thông tin trên, chúng tôi không khỏi băn khoăn “sao lại có sức làm việc “khủng” đến thế? Nhưng khi trực tiếp gặp và tiếp xúc với Tuấn thì tất cả mới “vỡ” ra... Tốc độ nói của Tuấn rất nhanh, tư duy mọi vấn đề cũng rất nhanh và cực logic, chưa kể anh còn vô cùng đam mê công việc…

Không ngần ngại thử thách bản thân
Năm 2011, tốt nghiệp thủ khoa Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), Tuấn được tiếp nhận về công tác tại Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp). Có thể nói, khoảng thời gian 10 năm công tác tại Tổng cục là khoảng thời gian có rất nhiều dấu ấn với Tuấn.


Vũ Quang Tuấn tham gia tổ chức lớp tập huấn sử dụng phần mềm về thi hành án dân sự thời điểm còn làm việc ở Bộ Tư pháp

Bởi ở đây, Tuấn hoàn thành xuất sắc mọi kế hoạch, nhiệm vụ được giao, nhận được rất nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Xây dựng được hệ thống phần mềm dành cho hơn 4.000 người hoạt động trong công tác thi hành án dân sự sử dụng nhằm mục đích số hóa công tác thi hành án; Xây dựng được phần mềm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện các công việc liên quan đến thi hành án… 
Nhưng rồi, với mong muốn được thử thách bản thân, Tuấn đã quyết định rời môi trường làm việc nhiều thuận lợi để sang công tác ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ (pháp chế) thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuấn chia sẻ “Còn trẻ, còn muốn học hỏi nên tôi không ngại ngần tham gia môi trường mới để khám phá thêm những khả năng của mình”. Trước khi sang làm việc ở Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ (thuộc Ủy ban), Tuấn đã kịp tốt nghiệp đại học thêm ngành kế toán và Luật Kinh tế, hiện đang theo học thạc sĩ Luật Kinh tế. 
Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ có 11 nhân sự làm việc nhưng khối lượng công việc cũng khá lớn, lại phụ trách nhiều mảng, từ thanh tra kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo đến kiểm soát nội bộ các tập đoàn, tham gia góp ý và thẩm định các quy chế, quy trình nội bộ, xây dựng quy chế mới về hoạt động kiểm soát viên…. 
Do đó, Tuấn cho rằng bản thân mình cần tiếp tục nỗ lực cố gắng rất nhiều, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức lý luận và chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được phân công trong tình hình mới.
Vào cuộc với tâm thế ấy, cộng với sự thích thú với công việc mới, Tuấn dành nhiều thời gian để tìm đọc các tài liệu liên quan. Từ đó, anh mới nhận ra, hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, không rõ ràng gây khó khăn, vướng mắc cho cơ quan đại diện chủ sở hữu trong hoạt động quản lý doanh nghiệp. Do đó, Ủy ban cũng như các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban vẫn đang gặp nhiều vấn đề về mặt pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ của mình.


Theo đuổi công việc đến cùng…
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ. Trước khi Ủy ban được thành lập, các Bộ có vai trò vừa là cơ quan quản lý nhà nước vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Do vậy, theo Tuấn, hệ thống pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quản lý doanh nghiệp chưa có sự phân tách rõ ràng giữa chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước và chủ thể với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu. 
Ví dụ như, Nghị định số 49/2014/NĐ-CP quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật của doanh nghiệp. Các Bộ có thể triển khai thực hiện quy định này vì Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, có chức năng thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra. Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu (không có chức năng quản lý nhà nước) được giao chức năng thanh tra nhưng không thể triển khai thực hiện vì pháp luật về thanh tra không có quy định.
Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động cơ quan đại diện chủ sở hữu phần lớn được ban hành trước khi Ủy ban được thành lập do vậy trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban gặp khó khăn, vướng mắc trong quy định của pháp luật. Ví dụ như trách nhiệm của Ủy ban trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, trách nhiệm của Ủy ban liên quan đến công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và sắp xếp nhà, đất của doanh nghiệp… 
Bên cạnh đó, Tuấn cũng nhận ra rằng, trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp tiếp tục có sự thay đổi. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế bất cập liên quan đến các vấn đề như: việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp…
Đó chính là những bất cập mà Tuấn và đội ngũ làm công tác pháp chế ở Ủy ban rà soát nhận ra và mong muốn có thể đề nghị tiến hành, sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cho phù hợp. 
Nhưng những vấn đề này cần nhiều thời gian mới có thể kiến nghị, sửa đổi, do đó, Tuấn xác định, công việc này sẽ còn phải theo lâu dài… Tuy nhiên, với niềm đam mê công việc, sự thích thú mỗi khi “rà” ra được vấn đề pháp lý nào đó cùng với trách nhiệm của mình, hy vọng rằng Tuấn sẽ cùng tập thể Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ tiếp tục nhiệt huyết, cống hiến và đóng góp công sức của mình, để có thể tạo được “hành lang” thuận lợi cho các hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước cũng như Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…


https://baophapluat.vn