Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp

13/10/2022
Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1155/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Mục tiêu tổng quát của Đề án tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng của Học viện Tư pháp là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu. Đến năm 2030, Học viện Tư pháp thực sự trở thành trung tâm lớn, có uy tín trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế ở Việt Nam và có vị trí trong khu vực.
Các mục tiêu cụ thể của Đề án được xác định trên các mặt và phân kỳ theo hai giai đoạn cụ thể, giai đoạn 1 từ năm 2022 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030.
Theo đó, về chỉ tiêu đào tạo, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Học viện Tư pháp sẽ đào tạo nghề luật sư cho 2.000 người/năm, trong đó đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế là từ 100 - 150 người/năm, đào tạo nghề luật sư chất lượng cao từ 120 - 200 người/năm. Đào tạo nghề công chứng đạt 1.000 người/năm, trong đó đào tạo nghề công chứng chất lượng cao là từ 100 - 150 người/năm. Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư đạt 200 người/năm. Đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự là 150 người/năm. Đào tạo nghề đấu giá là 100 người/năm. Đào tạo nghề thừa phát lại là 100 người/năm. Thí điểm đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại dự kiến từ năm 2023 đến năm 2025 mỗi năm 50 - 60 người.
Đến năm 2030, Đề án đặt ra đào tạo nghề luật sư là 1.000 - 1.500 người/năm, trong đó đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế là 200 người/năm, đào tạo nghề luật sư chất lượng cao là 500 - 700 người/năm. Đào tạo nghề công chứng là 600 - 800 người/năm, trong đó đào tạo nghề công chứng chất lượng cao từ 200 - 300 người/năm. Đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; đào tạo nghiệp vụ thi hành án dân sự; đào tạo nghề đấu giá; đào tạo nghề thừa phát lại bảo đảm chỉ tiêu tối thiểu như giai đoạn 2022 - 2025; triển khai đào tạo chất lượng cao ở tất cả các chương trình đào tạo này. Đào tạo 09 chức danh mới (thẩm tra viên thi hành án dân sự, thư ký thi hành án dân sự, đăng ký viên giao dịch bảo đảm, trợ giúp viên pháp lý, thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, trọng tài viên thương mại, hòa giải viên thương mại, công chức tư pháp - hộ tịch, quản tài viên): mỗi chức danh 50 - 100 người/năm. Đào tạo chung nghiệp vụ thi hành án dân sự và nghề thừa phát lại là 100 người/năm.
Về chỉ tiêu bồi dưỡng, đến năm 2025, Học viện Tư pháp dự kiến bồi dưỡng cho luật sư với số lượng 300 người/năm. Bồi dưỡng cho công chứng viên là 300 người/năm. Bồi dưỡng cho thừa phát lại là 50 người/năm. Bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án cho kế toán nghiệp vụ thi hành án là 100 người/năm. Bồi dưỡng cho công chức tư pháp - hộ tịch là 200 người/năm. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức là 1.150 người/năm. Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là 50 người/năm. Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý là 500 người/năm. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm là 1.600 người/năm. Bồi dưỡng kiến thức và nâng cao kỹ năng áp dụng pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật, pháp chế của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước là 1.000 người/năm. Bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý cho các chức danh tư pháp, công chức, viên chức và theo nhu cầu xã hội: 100 - 150 người/năm. Nghiên cứu mở rộng bồi dưỡng trọng tài viên thương mại, hòa giải viên thương mại và các chức danh bổ trợ tư pháp khác.
Giai đoạn 2025 -2030 tiếp tục giữ vững các chỉ tiêu bồi dưỡng như giai đoạn 2022 - 2025.
 
 
Về chất lượng đào tạo, bồi dưỡngtới năm 2025, Học viện Tư pháp phấn đấu xây dựng mới 05 chương trình đào tạo, xây dựng mới và chỉnh sửa 16 chương trình bồi dưỡng; phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế theo hướng tiếp cận năng lực, bảo đảm liên thông các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong nội bộ Học viện Tư pháp, giữa Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo luật và nghề luật khác. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống học liệu đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu dạy - học theo phương thức trực tiếp, phương thức trực tuyến (E - Learning) và phương thức kết hợp (Blended - Learning), phù hợp với yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phấn đấu đến năm 2025 số hóa được 50% bài giảng và 70% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp. Áp dụng các phương pháp dạy - học tiên tiến, hiện đại gắn với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu lên 85 giảng viên, trong đó giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 20% so với tổng số giảng viên cơ hữu. Chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trên cơ sở rà soát, chọn lọc những giảng viên giỏi, có uy tín, kinh nghiệm; đồng thời, xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Hoàn thiện bộ công cụ kiểm soát, đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tư pháp. Từ năm 2022 đến năm 2025 tổ chức tự đánh giá trong nội bộ Học viện Tư pháp để làm cơ sở tự điều chỉnh, phát triển. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp và cán bộ làm công tác pháp luật.
Tới năm 2030, Đề án tiếp tục đặt ra mục tiêu nâng tầm chất lượng, hiệu quả thực hiện các mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2022 - 2025 theo hướng xây dựng hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống tổ chức quản trị đào tạo, bồi dưỡng, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thông minh, linh hoạt, số hóa một cách tối đa các hoạt động giảng dạy, học tập và quản trị đào tạo, bồi dưỡng. Đến năm 2030 số hóa được 70% bài giảng và 100% giáo trình, hồ sơ tình huống của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Duy trì và phát huy hiệu quả năng lực cạnh tranh bền vững về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp với các cơ sở đào tạo tư pháp tại Việt Nam. Xây dựng và đưa vào áp dụng 09 chương trình đào tạo mới (Chương trình đào tạo thẩm tra viên thi hành án dân sự, Chương trình đào tạo thư ký thi hành án dân sự, Chương trình đào tạo đăng ký viên giao dịch bảo đảm, Chương trình đào tạo trợ giúp viên pháp lý, Chương trình đào tạo thư ký nghiệp vụ thừa phát lại, Chương trình đào tạo trọng tài viên thương mại, Chương trình đào tạo hòa giải viên thương mại, Chương trình đào tạo công chức tư pháp - hộ tịch, Chương trình đào tạo quản tài viên). Xây dựng mới và chỉnh sửa 15 chương trình bồi dưỡng. Phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu lên 105 giảng viên, nâng tổng số giảng viên đã từng có chức danh tư pháp đạt khoảng 25% so với tổng số giảng viên cơ hữu. Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thỉnh giảng.
Về xây dựng thể chế, từ nay đên năm 2030, Học viện Tư pháp chủ động nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế như sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư, Luật Công chứng nhằm gắn kết giai đoạn tập sự hành nghề tại các tổ chức hành nghề với quá trình đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp…
Về hợp tác quốc tế, tiếp tục củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế sẵn có, chủ động kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học của các nước trong và ngoài khu vực và các tổ chức quốc tế khác; tăng cường trao đổi, học tập công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại; tranh thủ mọi nguồn lực và kinh nghiệm trong việc tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, cán bộ làm công tác pháp luật, pháp chế.
Hiện nay, Học viện Tư pháp đã thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác quốc tế với các đối tác truyền thống như Quỹ IRZ, Viện FES Cộng hòa Liên bang Đức, Hội đồng Thừa phát lại tối cao Cộng hòa Pháp, Hội đồng Công chứng tối cao Cộng hòa Pháp, Quỹ Nhi đồng liên hiệp quốc (UNICEF), Dự án JICA, Dự án EUJULE, Dự án UNDP… Trong quá trình hợp tác, Học viện Tư pháp luôn tìm kiếm, mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế với các đối tác tiềm năng, các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp của các nước trong khu vực và trên thế giới; phối hợp tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, toạ đàm để trao đổi kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng các chức danh nghề luật sư, công chứng, trọng tài viên, hòa giải viên thương mại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Về cơ sở vật chất: Với mục tiêu tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, Học viện dự kiến xây dựng thêm trụ sở mới trên diện tích 05 héc ta đất tại phường Long Phước, thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho cả trụ sở Học viện Tư pháp tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng cao nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với mô hình trường học thông minh, với hệ thống quản trị hiện đại. Trên cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở được đầu tư xây dựng, Học viện tiếp tục phát triển cơ sở vật chất hiện có đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của xã hội, từng bước xúc tiến việc xây dựng mô hình trường học thông minh với hệ thống quản trị hiện đại, đáp ứng linh hoạt nhu cầu học tập mọi lúc mọi nơi của người học.
Trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Đề án xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp Học viện Tư pháp triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể và bố trí nguồn lực để thực hiện Đề án theo nội dung đã được phê duyệt.