Làm rõ thêm xu hướng xuất hiện các vụ vi phạm pháp luật mới

21/09/2021
Làm rõ thêm xu hướng xuất hiện các vụ vi phạm pháp luật mới
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan khắc phục những hạn chế, làm rõ thêm xu hướng xuất hiện các vụ vi phạm pháp luật mới để có biện pháp xử lý.

Ngày 20/9, Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 6 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2021 của TANDTC, VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Nhằm đổi mới cách thức tổ chức phiên họp, trên cơ sở tài liệu các cơ quan đã trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp, các cơ quan không trình bày các báo cáo mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ dành thời gian cho các cơ quan thẩm định trình bày báo cáo thẩm tra, sau đó các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, đóng góp ý kiến.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ thêm vấn đề đại biểu nêu.

Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan cần làm rõ thêm các giải pháp để phát huy những ưu điểm trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và phòng, chống tham nhũng; khắc phục những hạn chế, làm rõ thêm xu hướng xuất hiện các vụ vi phạm pháp luật mới để có biện pháp xử lý.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, tăng cường công tác phối hợp, trong đó quan tâm đến vấn đề sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng công tác đào tạo cán bộ, đào tạo lại những cán bộ chuyên sâu đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển, gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng kỹ thuật số, xây dựng cơ sở dữ liệu.

Ngành Tòa án cũng cần phối hợp các cơ quan để nâng cao chất lượng đào tạo hội thẩm nhân dân.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ; của TANDTC, VKSNDTC; nghe các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC phát biểu tiếp thu, giải trình.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong thời gian tới sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về khiếu nại, tố cáo trong cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến nêu trong báo cáo thẩm tra, làm rõ các báo cáo để trình Quốc hội xem xét.

Trong đó, cần thể hiện đúng tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, đó là nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng tình hình, nhận diện đúng vấn đề và làm rõ các số liệu của năm, có so sánh với các năm trước để thấy được bản chất của vấn đề, những việc tăng lên, giảm đi và các nguyên nhân cụ thể và đề ra các giải pháp phải căn cơ, khả thi, tạo được chuyển biến mới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp với các cơ quan Quốc hội chuẩn bị tốt các nội dung để phục vụ Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội và nghiên cứu kiến nghị các giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài, đồng thời phối hợp nối mạng xây dựng cơ sở dữ liệu chung để theo dõi tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo trong cả nước…

Song Thu

baophapluat.vn