Nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp

21/09/2021
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định số 1396/QĐ-BTP ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động và kiện toàn tổ chức của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của Đề án nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Nhà xuất bản Tư pháp trong giai đoạn 2021 – 2030. Tuân thủ tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ hoạt động của nhà xuất bản, tiếp tục củng cố, phát huy thương hiệu, vị thế, uy tín của một trong những nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam về sách pháp luật, sách lý luận, chính trị.
Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, người lao động theo vị trí việc làm, phù hợp với quy định về vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng với sự phát triển của xã hội, sự thay đổi văn hóa đọc và xu thế phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số.
Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Nhà xuất bản Tư pháp theo hướng kết hợp giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; bảo đảm cơ chế tài chính bền vững, ngày càng tăng mức độ tự chủ và cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật.
Giai đoạn từ 2021 đến năm 2025, về nhiệm vụ, rà soát, khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động; tăng mức độ tích lũy tài chính, giữ ổn định loại hình là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật, phấn đấu đến hết năm 2025 đáp ứng các điều kiện về tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản Tư pháp; kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trực thuộc để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất bản phẩm điện tử, truyền thông, quảng bá thương hiệu của Nhà xuất bản Tư pháp. Vận hành, ứng dụng App trên thiết bị điện thoại di động thông minh với 02 nền tảng Android và IOS để tăng cường quảng bá, tương tác với khách hành; triển khai số hóa sách pháp luật và thí điểm xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; từng bước thích ứng, tham gia hiệu quả vào quá trình số hóa hệ thống thông tin về hộ tịch và Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia.
Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030: Tạo sự đột phá về hiệu quả hoạt động gắn với hiện đại hóa và sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn đội ngũ viên chức của từng Phòng, Ban, Trung tâm thuộc Nhà xuất bản Tư pháp tinh gọn, chuyên nghiệp, đáp ứng sự phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số và xã hội số. Vận hành cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đến hết năm 2030, nghiên cứu chuyển sang áp dụng mô hình quản trị, tài chính như mô hình quản trị, tài chính của doang nghiệp trên cơ sở đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế của đơn vị. Triển khai đồng bộ hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; đa dạng hóa nguồn thu để tăng mức độ tích lũy tài chính, bảo đảm cân đối giữa các nguồn thu, đặc biệt chú trọng tăng tỷ lệ nguồn thu từ xuất bản phẩm và từ hoạt động công nghiệp xuất bản, dịch vụ xuất bản.
Để thực hiện được những nhiệm vụ nêu trên, Đề án đã đề ra các giải pháp cụ thể về nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp; tổ chức bộ máy và đội ngũ viên chức, người lao động của Nhà xuất bản Tư pháp; tăng cường công tác phối hợp giữa Nhà xuất bản Tư pháp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện làm việc.