Rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển năng lượng quốc gia

12/10/2020

Mục tiêu của Chiến lược là: Đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh.
Tầm nhìn đến năm 2045: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học - công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Theo đó, để phát triển năng lượng quốc gia, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, cụ thể:
 Bộ Công Thương
Về thể chế và cơ chế chính sách chung:
Xây dựng đề án và triển khai Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia tới năm 2050.
Xây dựng và triển khai Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xây dựng và triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về dầu khí: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách đối với ngành dầu khí để đề xuất với Chính phủ các nội dung sửa đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành dầu khí Việt Nam phát triển từ khâu thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn.
Về chính sách phát triển ngành điện: Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam cho giai đoạn mới; Xây dựng, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cấu trúc ngành điện phù hợp với các cấp độ thị trường điện, theo nguyên tắc tách bạch chi phí các khâu mang tính độc quyền tự nhiên với các khâu có tính cạnh tranh trong ngành điện.
Đối với nguồn điện và lưới điện: Nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi xa bờ phù hợp với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo với mục đích tự dùng (ưu tiên mặt trời áp mái); Nghiên cứu xây dựng, đề xuất cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mặt nước;
Nghiên cứu đề xuất chính sách phát triển, sản xuất nguồn nhiên liệu Hydro đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tham gia thị trường năng lượng khu vực và toàn cầu.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển nhiệt điện nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện các dự án nhiệt điện, góp phần tăng tính cạnh tranh, đa dạng hóa hình thức sở hữu, phương thức kinh doanh trong cung cấp điện.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, các quy định để hỗ trợ cho phát triển nhiệt điện khí, đảm bảo phát triển điện khí phù hợp với tình hình hệ thống điện Việt Nam. Phát triển nhiệt điện khí theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn khí trong nước, chú trọng phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG.
Về thị trường điện và cơ chế giá điện:
Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực và các văn bản pháp luật có liên quan về giá điện, điều tiết điện lực, chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện và thị trường điện phù hợp với lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thực tế sử dụng điện của các đối tượng khách hàng; quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo công tác điều hành giá điện thực hiện đúng cơ chế thị trường.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ điện lớn.
Xây dựng cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất v.v...
Phát triển Lưới điện thông minh, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công Thương thực hiện:
Nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển Lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi chương trình Quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện tại Việt Nam.
Rà soát, cập nhật và xây dựng định mức hao hụt các nguồn năng lượng như xăng dầu, khí, than trong sản xuất, khai thác, vận chuyển, phân phối. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý cường độ tiêu thụ điện năng, quy chuẩn cho hiệu suất tấm pin mặt trời.
Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng năng lượng trong các ngành, lĩnh vực có mức tiêu thụ năng lượng cao như ngành (thép, hóa chất, xi măng, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm). Xây dựng Chương trình chuyển đổi thị trường phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao.
Rà soát, sửa đổi, xây dựng bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia liên quan đến tái chế, tái sử dụng chất thải trong các khâu khai thác, sản xuất, phân phối sử dụng, tái chế, tái sử dụng và thải bỏ trong lĩnh vực năng lượng.
Nghiên cứu xây dựng biểu giá điện theo phân ngành công nghiệp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành và lĩnh vực tiêu thụ điện theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm cường độ năng lượng.
Về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng, Chính phủ yêu cầu:
Hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai thực hiện các dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt là các dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực.
Xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan: (i) Đôn đốc việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng, bảo đảm vận hành đầy đủ, đúng đắn cơ chế thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển; (ii) Rà soát, đề xuất cơ chế chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực năng lượng phát triển.
Nghiên cứu, triển khai thí điểm cơ chế bán có thời hạn hoặc cho thuê dài hạn đối với nhà máy điện, kho nhiên liệu, nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.
Về đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thực hiện:
Xây dựng cơ chế chính sách phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành.
Xây dựng các quy định về lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng, từng bước loại bỏ các phương tiện, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy sử dụng phương tiện, thiết bị hiệu suất cao.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất để hoàn thiện khung pháp lý đối với ngành năng lượng, bao gồm: (i) Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí và các văn bản pháp lý có liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và phù hợp với tình hình mới của ngành dầu khí; (ii) Triển khai xây dựng, hoàn thiện đề án thị trường năng lượng cạnh tranh giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương:
Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật quy định về kiểm soát phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng; nghiên cứu và đề xuất cơ chế chính sách triển khai việc thu hồi, sử dụng khí CO2.
Xây dựng tài liệu hướng dẫn, triển khai áp dụng các mô hình sử dụng các nguyên vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, thu gom, tái sử dụng chất thải; áp dụng giải pháp thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại các cơ sở, trung tâm phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại và siêu thị.
Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện khung chính sách, xây dựng và bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ từ ngân sách đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Cơ chế sản xuất công nghiệp phát thải thấp và gắn sản xuất công nghiệp với cơ chế nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công thương để phế thải, phế phẩm và chất thải của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác.
Quy định cơ chế phân định các luồng chất thải và biện pháp quản lý, xử lý tương ứng để một số loại chất thải công nghiệp (tro, xỉ nhà máy nhiệt điện, chất thải trong ngành công nghiệp) có thể được sử dụng làm nguyên liệu cho ngành sản xuất khác như xi măng, vật liệu xây dựng, phân bón.
Nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc phát triển ngành nghề bảo vệ môi trường nói chung và xử lý hiệu quả các loại chất thải nói riêng.