Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

29/09/2020
Ngày 24/9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật này nhằm xác định các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (Luật) kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.
Nội dung Kế hoạch thực hiện gồm: Tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến giám định tư pháp; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật; thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; củng cố, phát triển đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo hướng gắn với nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng (rà soát, đổi mới quy trình bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; rà soát, cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp).
Theo Kế hoạch, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì thực hiện: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;  Ban hành mới Thông tư quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp; Nghiên cứu, rà soát về giải pháp thực hiện chế độ chính sách thu hút, động viên đối với đội ngũ người làm giám định tư pháp phù hợp với tình hình cải cách tiền lương (sau khi có Đề án cải cách tiền lương).
Các bộ, cơ quan ngang bộ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Thông tư quy định về trình tự thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp đối với lĩnh vực giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Thông tư quy định về quy trình giám định (trong đó quy định cụ thể thời hạn giám định đối với từng loại việc giám định); ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; Ban hành hướng dẫn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giám định của các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức chuyên môn khi thực hiện giám định ở từng lĩnh vực.
Bộ Công an chủ trì thực hiện sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-BCA ngày 10 tháng 01 năm 2013 về sử dụng kinh phí điều tra trong lực lượng công an nhân dân theo hướng tách riêng mục dự toán ngân sách bảo đảm nguồn kinh phí chi trả đầy đủ, kịp thời chi phí giám định, bồi dưỡng giám định; Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện quy định hướng dẫn về căn cứ, cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự.
Bộ Tài chính chủ trù thực hiện tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về chi phí giám định tư pháp; ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện pháp luật về chi phí giám định tư pháp, bảo đảm phù hợp với thực tế và tính chất đặc thù của hoạt động giám định tư pháp.
Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kiến thức pháp lý cho người làm giám định tư pháp; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giám định tư pháp cho người tiến hành tố tụng; kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp và thực hiện trách nhiệm về giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng; đánh giá công tác giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý, tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động giám định tư pháp…
Căn cứ nội dung Kế hoạch trên và tình hình thực tiễn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Luật tại bộ, ngành, địa phương mình. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn giải quyết và gửi báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Huỳnh Lê – Thi hành án dân sự