Hoàn thiện hệ thống luật pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

25/09/2020
Trên cơ sở kết quả Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững ngày 12 tháng 9 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững.

Chính phủ đánh giá: Nhìn lại quá trình thực hiện phát triển bền vững trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực: (1) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân 1,53%/năm trong giai đoạn 2016-2019; (2) Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 22,1 năm 2015 xuống 21 năm 2019; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 76,4% năm 2015 lên 90% năm 2019; (3) Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,9% năm 2019; tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học là 99,6% năm 2019; (4) Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (nhiệm kỳ 2016 - 2021) là 26,7%; (5) Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2018 đạt 95,7%; (6) Hơn 99% các hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện năm 2018; (7) Tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 65.9% (tương đương khoảng 64 triệu người) năm 2019; (8) Tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2019 đạt ở mức tương đối cao, trung bình khoảng 6,8%/năm, mức tăng năng suất lao động giai đoạn 2016 - 2018 đạt gần 5,8%; (9) Các vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường cũng đã được cải thiện, độ che phủ rừng tăng, đạt 41,89% năm 2019; (10) Giảm bất bình đẳng trong xã hội, thúc đẩy tiếp cận pháp lý và thông tin ngày càng được cải thiện hơn; mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và toàn diện, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.
Mặc dù vậy, quá trình phát triển bền vững của đất nước còn có những khó khăn, thách thức sau: Mô hình tăng trưởng vẫn chưa rõ nét, năng suất lao động tăng chủ yếu do tăng cường độ vốn, quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế; chênh lệch mức sống và mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân giữa các vùng và giữa các địa phương trong vùng vẫn còn lớn; khoa học và công nghệ vẫn chưa trở thành động lực cốt lõi của phát triển bền vững, vẫn còn thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện đổi mới và ứng dụng công nghệ; quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng, cơ cấu dân số đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, có sự khác biệt lớn về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền, chất lượng dân số thấp, thể lực chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, bị hạn chế về chiều cao, cân nặng, sức bền; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp tại một số địa phương, đặc biệt là các vùng có mật độ phát triển công nghiệp cao, tình hình ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn diễn biến phức tạp, xử lý vi phạm về môi trường còn nhiều bất cập; biến đổi khí hậu và thiên tai ảnh hưởng rất lớn đến các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, việc triển khai thực hiện phát triển bền vững tại các ngành và các cấp vẫn chưa thực sự nghiêm túc và quyết liệt; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên liên quan chưa thực sự hiệu quả; nhu cầu tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 là rất lớn nhưng nguồn lực của quốc gia còn hạn chế.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Năm 2020 cũng là năm chứng kiến đại dịch COVID-19 và tác động đa diện của nó trên toàn cầu, có nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, làm tăng rủi ro không hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 ở nhiều nước. Đại dịch cũng là một cơ hội để chúng ta suy nghĩ lại về con đường tăng trưởng kinh tế và tầm quan trọng của phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các ngành, các cấp và các địa phương từ nay đến năm 2030.
Con người là trung tâm của phát triển bền vững
Quan điểm được thể hiện rõ trong Nghị quyết đó là: Con  người là trung tâm của phát triển bền vững. Phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung và được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau. Không để ai bị bỏ lại phía sau, tiếp cận những đối tượng khó tiếp cận nhất trước, bao gồm trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, đồng bào vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo và những đối tượng dễ bị tổn thương khác.
17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam
Bên cạnh mục tiêu tổng quát là: Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, dân chủ, văn minh và bền vững, thì Nghị quyết xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam, cụ thể:
Mục tiêu 1. Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi
Mục tiêu 2. Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
Mục tiêu 3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi
Mục tiêu 4. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người
Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái
Mục tiêu 6. Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người
Mục tiêu 7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người
Mục tiêu 8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người
Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới
Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong xã hội
Mục tiêu 11. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng
Mục tiêu 12. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững
Mục tiêu 13. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai
Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững
Mục tiêu 15. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất
Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp
Mục tiêu 17. Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
 05 Nhiệm vụ và giải pháp chung
Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được ban hành tại Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 và Kế hoạch hành động của bộ, ngành, địa phương thực hiện Chương trình nghị sự 2030, tập trung vào những nội dung sau:
Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia. Lồng ghép tối đa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong các chính sách, chương trình hành động của bộ, ngành và địa phương.
Tăng cường thông tin, truyền thông
Tăng cường thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu phát triển bền vững.
Từng bước đưa nội dung giáo dục về phát triển bền vững vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục và đào tạo các cấp.
Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện và giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.
Phát huy vai trò và sự tham gia của các bên liên quan
Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng cường vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát thực hiện và phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và sự phối hợp giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Bố trí, huy động và tăng cường nguồn lực tài chính
Nguồn kinh phí thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài, bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các nguồn khác.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan, tổ chức và các địa phương theo quy định ngân sách nhà nước hiện hành và được lồng ghép trong kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan.
Tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống, chính sách thuế; nâng cao hiệu quả chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch. Huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; chủ động phối hợp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như các thách thức đối với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Hồng Mây