Nhiều nội dung mới và tiến bộ trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP

18/09/2020
Hiện nay, Bộ Nội Vụ đang chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là Nghị định số 101) với nhiều nội dung mới, tạo điều kiện tối đa cho công chức, viên chức được tham gia học tập, cũng như các quy định nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Dưới đây là một số nội dung được xây dựng và đưa vào dự thảo để phù hợp với thực tiễn và hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành.
Nhiều nội dung mới và tiến bộ trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã có hiệu lực với quy định mới như: Sẽ không còn công chức là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập nói chung; Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời là (Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn); Thêm ngạch công chức mới do Chính phủ quy định; Bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; Quy định việc tiếp nhận vào làm công chức đối với các đối tượng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành mới các văn bản về công tác cán bộ, như: Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ngoài ra, hiện nay, việc quản lý công chức, viên chức được chuyển dần sang quản lý theo vị trí việc làm; công chức, viên chức được tuyển dụng, bố trí vào vị trí việc làm sẽ được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch, chức danh nghề nghiệp tương ứng.
Vì những lý do trên, việc bổ sung các quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với đối công chức, viên chức là cần thiết, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng được triển khai thống nhất, đồng bộ.
Được biết, dự thảo Nghị định số 101 đang được xây dựng các quy định với nhiều tính mới và tiến bộ, cụ thể:
Tăng độ tuổi cho công chức, viên chức được tham gia đào tạo sau đại học:
Nếu như trước đây, độ tuổi giới hạn cho công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu là không quá 40 tuổi thì hiện nay, trong dự thảo đã điều chỉnh là không quá 45 tuổi. Đây là một điểm tiến bộ, mở ra cho công chức, viên chức nhiều cơ hội được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
Bổ sung chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập:
Để phù hợp với quy định không còn công chức là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ cũng xây dựng quy định tách riêng chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm cho chức danh lãnh đạo, quản lý trong khối đơn vị sự nghiệp công lập so với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị quản lý hành chính nhà nước nhằm đảm bảo đúng với đặc thù quản lý, lãnh đạo của đối tượng này.
Bổ sung chương trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch công chức chuyên ngành:
Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm của từng công việc cụ thể, đặc thù quản lý ngành, lĩnh vực. Nội dung bồi dưỡng mang tính chuyên sâu sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức.
Mở rộng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức
Để đảm bảo tính cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, tại dự thảo Nghị định cũng quy định mở rộng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được tham gia đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức khi đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định còn bổ sung các nội dung mới như: Bổ sung nội dung bồi dưỡng về “Công nghệ thông tin” nhằm đáp ứng đòi hỏi thực tiễn về ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như vận hành Chính phủ điện tử; Bổ sung hình thức “đào tạo từ xa” để đáp ứng nhu cầu học tập cho công chức, viên chức trong bối cảnh vừa học, vừa đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ công việc tại cơ quan, đơn vị; Bổ sung quy định về quản lý chương trình bồi dưỡng. Sửa đổi, bổ sung quy định về phân công tổ chức và quản lý chất lượng bồi dưỡng.