Ngày 06/7/2020, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ban hành Kế hoạch số 138-KH/BCSĐ về việc triển khai Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16/4/2020 của Ban Bí thư về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị của Bộ Tư pháp. Theo đó, Kế hoạch triển khai toàn diện các nội dung của Chỉ thị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị tại Bộ Tư pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, góp phần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Bộ, ngành Tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Kế hoạch đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW bảo đảm toàn diện, hiệu quả, cụ thể là:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Bảo đảm việc nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên; Tham gia nghiên cứu, xây dựng chính sách và cơ chế bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Đẩy mạnh xuất bản sách lý luận, chính trị phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ ba, đẩy mạnh trang bị sách lý luận, chính trị trong hệ thống các cơ quan Tư pháp và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
Thứ tư, xây dựng Đề án “Mô hình tổ chức và hoạt động của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”, “Đề án tự chủ về tài chính của Nhà xuất bản Tư pháp giai đoạn 2021 - 2023” và các giai đoạn tiếp theo; Nghiên cứu, đề xuất các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản sách lý luận, chính trị của Nhà xuất bản Tư pháp và các đơn vị báo chí, xuất bản của Bộ theo hướng chuyên sâu, cập nhật kỹ năng, vững vàng về chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường về tiếp cận với công nghệ xuất bản tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
Thứ năm, bố trí đầu tư kinh phí, hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc xuất bản sách pháp luật điện tử từ nguồn ngân sách nhà nước; Tăng cường trang bị sách lý luận, chính trị tại Thư viện Bộ Tư pháp, bảo đảm cơ cấu, số lượng sách lý luận, chính trị, đáp ứng nhu cầu đọc, nghiên cứu, học tập của cán bộ, đảng viên trên cơ sở thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá thị hiếu, nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Thứ sáu, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo trình giảng dạy, tài liệu nghiên cứu lý luận, chính trị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ bảy, thiết lập, mở rộng giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm xuất bản với các nhà xuất bản nước ngoài; thực hiện liên kết với các tổ chức, bao gồm cả các tổ chức nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam trong hoạt động in và phát hành sách lý luận, chính trị phù hợp với quy định của pháp luật.
Căn cứ Kế hoạch, Nhà xuất bản Tư pháp được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Đảng - Đoàn thể giúp Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Phòng Kế hoạch - Sản xuất NXB Tư pháp