Ðể chuẩn bị trình Chính phủ dự án Luật Tương trợ tư pháp, sáng 14-8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức góp ý kiến vào dự án luật này. Ðại diện các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và một số cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể ở T.Ư đã dự.
Dự án Luật Tương trợ tư pháp đưa ra lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các bộ, ngành, đoàn thể lần này gồm sáu chương, với 67 điều, quy định những nguyên tắc cơ bản trong giải quyết các việc tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước; trình tự, thủ tục lập, gửi, nhận, thực hiện các ủy thác tư pháp giữa Việt Nam và các nước, giữa các cơ quan tư pháp Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong giải quyết các việc tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và hình sự.
Ðối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong giải quyết các việc tương trợ tư pháp theo quy định của luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Sau khi nghe giới thiệu nội dung của dự án luật, nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến, đóng góp vào những quy định cụ thể của dự án luật như vấn đề cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp; vấn đề cơ quan đầu mối ở T.Ư trong tương trợ tư pháp; việc quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại...
Tiếp theo việc đóng góp ý kiến trực tiếp nói trên, các cơ quan được hỏi ý kiến sẽ tổ chức đóng góp ý kiến ở cơ quan mình giúp Ban Soạn thảo hoàn chỉnh dự án trình Chính phủ xem xét trong phiên họp sắp tới.
(Theo Nhân dân)