Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 9, họp ngày 10/8/2006, các đại biểu Quốc hội chuyên trách tập trung thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Bộ luật Lao động trong đó tập trung vấn đề thẩm quyền lãnh đạo đình công. Vấn đề này đã có những ý kiến đặt vấn đề: nơi chưa có tổ chức công đoàn thì ai đại diện cho người lao động để lãnh đạo đình công ?
Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội chuyên trách cho rằng, từ đầu năm đến nay ở nước ta đã xảy ra nhiều cuộc đình công (hơn 1.000 cuộc) với quy mô rộng khắp, gây bức xúc trong xã hội. Vì đình công chính là biện pháp cuối cùng để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Nhưng, hầu hết các cuộc đình công này đều bất hợp pháp mà thực tế thì quyền lợi của người lao động đều do phía sử dụng lao động vi phạm. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung liên quan đến đình công và giải quyết đình công là rất cần thiết, nhằm bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Có ý kiến thống nhất với dự án Luật về lãnh đạo đình công là quyền duy nhất của tổ chức công đoàn. Bởi vì Ban Chấp hành công đoàn cơ sở là người trực tiếp do tập thể lao động tại doanh nghiệp tín nhiệm bầu ra nên chỉ có công đoàn mới có thể đứng ra kêu gọi tổ chức và lãnh đạo đình công. Đối với nơi chưa có công đoàn cơ sở thì cho phép công đoàn cấp trên cơ sở lãnh đạo đình công.
Nhưng lại có ý kiến cho rằng, việc cho phép công đoàn cấp trên tổ chức lãnh đạo đình công là không hợp lý, không khả thi, vì đình công thuộc phạm trù quan hệ lao động. Công đoàn cấp trên không có quan hệ lao động trực tiếp với người sử dụng lao động nên không thể vào doanh nghiệp để tổ chức đình công được.
Một số đại biểu cho rằng: thực tế ở nước ta hiện nay còn tới 85% doanh nghiệp dân doanh và 65% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì ai lãnh đạo đình công? Chính vì quy định đình công chỉ có duy nhất tổ chức công đoàn lãnh đạo đã dẫn tới hầu hết các cuộc đình công trong thời gian qua là bất hợp pháp. Thực tế các cuộc đình công xẩy ra vừa qua đều không có sự khởi xướng, lãnh đạo của công đoàn mà đều do từ phía người lao động và được tập thể người lao động ủng hộ. Do vậy, các đại biểu đề nghị Luật quy định tổ chức công đoàn cơ sở hoặc đại diện người lao động lãnh đạo đình công là hợp lý nhất./.
(Theo website Đảng Cộng sản)