Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân và đại diện các Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội...
Luật Doanh nghiệp: Tạo điều kiện thuận lợi hết mức cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt NamBộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Thường trực Chính phủ 4 dự thảo Nghị định liên quan đến Luật Doanh nghiệp ban hành vào tháng 11/2005, đã được hoàn chỉnh thêm sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến tham gia, đóng góp của các thành viên Chính phủ. Đây là bốn dự thảo Nghị định hướng dẫn được đánh giá là rất cần thiết và quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp hiện nay. Đó là Dự thảo Nghị định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Dự thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh; Dự thảo Nghị định về quản lý nhà nước đối với hệ thống giấy phép kinh doanh và Dự thảo Nghị định quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hợp đồng hợp tác kinh doanh đăng ký lại theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2005 thay thế Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1999 được đánh giá đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam hiện nay, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, sự ưu đãi của Chính phủ, thủ tục hành chính thông thoáng... theo hướng phù hợp với các điều kiện đặt ra trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO và sự phát triển của kinh tế thế giới. Điểm đáng chú ý, theo Luật Doanh nghiệp mới thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng thêm một số các ưu đãi khác do Luật mang lại. Luật Doanh nghiệp cũ 1999 quy định các doanh nghiệp trước đây khi vào Việt Nam chỉ được thành lập dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhưng theo Luật Doanh nghiệp 2005, các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ được lập công ty cổ phần và công ty mẹ - con. Những hình thức hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước và được hưởng các ưu đãi ngang bằng mà Nhà nước và Chính phủ áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc cho biết khi lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về đăng ký kinh doanh, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài rất hoan nghênh Việt Nam vì thủ tục thông thoáng và dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau, một là chỉ nên thành lập một số cơ quan đăng ký kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để tập trung một đầu mối, hai là nên phân cấp cơ quan đăng ký kinh doanh đến tận cấp tỉnh. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo nên phân cấp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, thủ tục đăng ký kinh doanh phải đơn giản, gọn nhẹ.
Trong Dự thảo Nghị định về quản lý nhà nước đối với hệ thống giấy phép kinh doanh, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, điểm thuận lợi mới cho các nhà đầu tư nước ngoài là nếu dự án đầu tư vào Việt Nam dưới 300 tỉ đồng thì nhà đầu tư chỉ cần đăng ký kinh doanh với cấp tỉnh nơi đầu tư, còn nếu dự án đầu tư trên 300 tỉ đồng thì cần phải có giấy chứng nhận đầu tư do đơn vị có thẩm quyền cấp. Đây là điểm mới so với Luật Doanh nghiệp cũ, giúp các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được thuận lợi nhất.
Luật Đầu tư: Phân cấp đầu tư càng rõ ràng, càng phân định được trách nhiệm
Sau khi nghe báo cáo của Bộ KH&ĐT và ý kiến nhất trí của các đại biểu về Dự thảo quy định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc các nhà soạn thảo tiếp tục làm rõ vấn đề phân cấp đầu tư liên quan đến các yếu tố như hình thức đầu tư, ngành nghề, số vốn đầu tư... Thủ tướng cho rằng nên phân cấp đầu tư cả ở cấp Bộ và cấp tỉnh. Tuy nhiên Thủ tướng cũng lưu ý, khi Bộ hay địa phương cấp phép phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch mà cấp có thẩm quyền đã phê duyệt. Thủ tướng nhấn mạnh thêm, vấn đề phân cấp đầu tư phải công khai và rõ ràng.
Về Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu: Sẽ có một chương dành riêng cho đấu thầu xây dựng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho rằng, Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu cần đề cập rõ ràng hơn vấn đề năng lực nhà thầu, tiến độ công trình và giá cả. Vấn đề đấu thầu bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó xây dựng là lĩnh vực có nhiều yếu tố nhạy cảm và phức tạp nhất. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, khi xây dựng Nghị định thì vấn đề đấu thầu và xây dựng không nên tách rời nhau. Còn đối với Nghị định 16/2005/NĐ-CP, qua một năm kể từ khi ban hành cho thấy, Nghị định đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới là đơn giản hoá thủ tục, phân cấp mạnh trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng công trình. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều bất cập xảy ra trong quá trình thực hiện, vì thế việc sửa đổi Nghị định này là cần thiết để đảm bảo đồng bộ với hệ thống các quy định khác có liên quan đến quản lý đầu tư và xây dựng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo khi soạn thảo các Nghị định cần phải nghiên cứu, sửa chữa và hoàn thiện công phu trước khi ban hành. Cần tránh sự chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ của các Bộ, ban, ngành. Riêng về Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật Đấu thầu, Thủ tướng yêu cầu ban soạn thảo nên dành riêng một chương nói về đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng, để đảm bảo Nghị định ra đời phù hợp với Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng.
(Theo website Chính phủ)