Trong những năm qua, Chính phủ rất coi trọng công tác xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc đổi mới kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, và đã thu được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, Chính phủ đã hoàn thành một khối lượng khá đồ sộ các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Cụ thể, năm 2001: 22 dự án; năm 2002: 06 dự án; năm 2003: 34 dự án; năm 2004: 25 dự án; năm 2005: 34 dự án. Riêng 6 tháng đầu năm 2006, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 10 luật và 01 Nghị quyết. Đồng thời, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc từng bước nâng cao chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, đặc biệt là việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sau khi được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thúc đẩy hoạt động này, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở, ra văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan đẩy mạnh việc xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc các Bộ ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhưng tình trạng luật, pháp lệnh chờ nghị định của Chính phủ, nghị định chờ thông tư của bộ vẫn còn nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn tổ chức thực thi các luật, pháp lệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 4/8/2006, số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đăng ký ban hành nhưng nợ gối đầu là 135 văn bản, trong đó có 53 dự thảo văn bản các Bộ, cơ quan đã trình, Văn phòng Chính phủ đang xử lý; 82 văn bản các Bộ, cơ quan chưa trình (chưa kể các văn bản mới phát sinh từ 10 luật và 01 nghị quyết đã được Quốc hội Khoá XI thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua đến nay chưa có danh mục văn bản hướng dẫn).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do một số Bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa dành sự quan tâm thích đáng đối với công tác xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; công tác phối hợp soạn thảo, thẩm định và tiếp nhận hồ sơ dự thảo văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn nhiều bất cập; năng lực của đội ngũ soạn thảo các dự án, dự thảo hiện nay còn thiếu và yếu;...
Để giải quyết cơ bản tình trạng trên, Chính phủ đã thảo luận Báo cáo của Văn phòng Chính phủ và thống nhất một số giải pháp cụ thể để từ nay đến cuối năm 2006 phải trình và ban hành về cơ bản 135 văn bản đang nợ đọng. Trong đó, kể từ Phiên họp thường kỳ tháng 8/2006 trở đi, Chính phủ sẽ dành thời gian thích đáng để nghe báo cáo, kiểm điểm về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, đặc biệt là văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ được giao soạn thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh triển khai ngay công tác này trong Bộ, cơ quan mình; phân công và xác định rõ trách nhiệm soạn thảo; đơn vị, người đứng đầu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng; xác định rõ danh mục các văn bản còn nợ đọng, đề ra tiến độ xử lý để từ nay đến đầu tháng 12/2006 phải trình hết các văn bản còn tồn đọng thuộc trách nhiệm của Bộ. Đề nghị các Bộ trưởng quan tâm tăng cường cán bộ có năng lực làm công tác xây dựng văn bản. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đề cao trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật trong Bộ, cơ quan mình, hàng tháng cần kiểm điểm, đánh giá và chấn chỉnh kịp thời những yếu kém dẫn đến chậm trễ trong soạn thảo và trình ban hành văn bản. (Danh mục các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành được đính kèm theo).
Các Bộ, các cơ quan có trách nhiệm tham gia soạn thảo, cho ý kiến và thẩm định phải thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ, tham gia soạn thảo, cho ý kiến kịp thời và đầy đủ; nếu hết thời hạn theo quy định mà Bộ, cơ quan được hỏi không có ý kiến chính thức thì coi như đồng ý với dự thảo văn bản và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan được hỏi ý kiến phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các nội dung liên quan của văn bản đó
Văn phòng Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát lại quy chế làm việc của Chính phủ và của Văn phòng Chính phủ nhằm phát hiện và kiến nghị loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp. Đối với những văn bản cần xử lý gấp thì tìm giải pháp để có thể vận dụng rút gọn một số thủ tục, trên cơ sở phối hợp chung của các đơn vị có liên quan, bảo đảm tiến độ trong xử lý, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành số văn bản nợ đọng trong thời gian trước mắt. Đồng thời, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tăng cường kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, giúp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
(Theo website Chính phủ)