Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, thường phải hoàn thiện văn bản để gửi cấp trên theo đúng thời hạn Luật định. Thế nhưng, các Luật lại quy định thời hạn khác nhau, nên khi thực hiện gây không ít khó khăn cho cơ quan thừa hành.
Trong Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) ban hành năm 2003, tại Điều 50 quy định về phiên họp Hội đồng nhân dân: “Chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp, nghị quyết và biên bản của kỳ họp phải được gửi lên Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp; nghị quyết và biên bản của kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được gửi lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ''.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 thì Nghị quyết phiên họp HĐND chính là văn bản quy phạm pháp luật. Song cũng tại khoản 3, Điều 8 Luật này lại quy định: Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được gửi đến các cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp, các cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan ở địa phương chậm nhất là ba ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thông qua hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ký ban hành. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ...
Như vậy, cùng một nội dung là thời hạn gửi báo cáo lên cấp trên, khi HĐND thông qua một văn bản quy phạm pháp luật, nhưng ở 2 Luật lại quy định hai thời hạn khác nhau. Thiết nghĩ, Luật phải là "khuôn vàng thước ngọc" cho mọi tổ chức, đơn vị và toàn dân thực hiện. Thế nhưng 2 Luật nói trên lại "vênh" nhau về thời hạn. Xét về hiệu lực pháp lý, văn bản Luật của Quốc hội ban hành đều có giá trị thực hiện như nhau, vậy đối tượng điều chỉnh của nó chính là các văn phòng HĐND, UBND biết tuân thủ theo Luật nào để hoàn thành trách nhiệm pháp lý của mình?!./.
(Theo website Đảng Cộng sản)