Không nên ban hành quá nhiều văn bản pháp luật về giao thông

11/07/2006
Những năm gần đây, vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở nước ta đã thật sự trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Thực trạng thiếu ATGT đã đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết kịp thời với những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Nhằm từng bước giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đã được ban hành nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT như Chỉ thị số 22-CTMN của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với  công tác bảo đảm an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt, Bộ luật Hàng hải...

Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, tổ chức triển khai những biện pháp bảo đảm ATGT đạt hiệu quả cao. Mặc dù vậy, nhưng tình hình thực hiện công tác đảm bảo ATGT vẫn chưa ổn định. Nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, thời gian qua, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATGT đang tồn tại nhiều bất cập. Điểm hạn chế đáng lưu ý là ở một vài cơ quan cấp bộ và ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, còn phổ biến tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái thẩm quyền, nhiều văn bản pháp quy có nội dung chưa phù hợp với quy định của luật và các văn bản của cấp trên. Một số UBND cấp tỉnh đã tự ý ban hành những văn bản quy định mang tính "xé rào, vượt thẩm quyền", nhất là trong những chế tài xử lý các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ.

Nếu xét về tính đồng bộ của pháp luật, những văn bản này là chưa hoàn toàn phù hợp. Có địa phương do bức xúc trước thực tế tình hình vi phạm pháp luật về ATGT trên địa bàn đang diễn ra hết sức nóng bỏng và phức tạp (số vụ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, số vụ tai nạn giao thông, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tình trạng ùn tắc giao thông) nên tự ý ban hành quy định tạm giữ phương tiện vi phạm tại nhà chủ sở hữu trong thời gian 15 ngày, thậm chí 1 - 2 tháng như một hình thức để cảnh cáo, xử phạt người vi phạm (trái quy định vì tự ý đặt ra chế tài xử lý mới).

Hoặc có địa phương tự ra quy định không đăng ký mới xe mô tô (như ở Hà Nội đã bị bãi bỏ), lại có nơi quy định để được đăng ký mới xe mô tô, người đăng ký phải có hộ khẩu địa phương (quy định này trái với Luật dân sự, hạn chế quyền sở hữu của công dân)...

Theo một báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Thủ tướng Chính phủ, trong số 169 văn bản quy định về xử lý vi phạm hành chính của các địa phương gửi về Bộ Tư pháp để kiểm tra, đã phát hiện có 91 văn bản của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trái với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Số văn bản trái pháp luật chủ yếu là quy định thuộc về lĩnh vực trật tự ATGT với 58 văn bản.

Theo bà Lê Thị Thu Ba, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nội dung trái pháp luật của những văn bản này chủ yếu là những quy định cho tổ chức cá nhân không có thẩm quyền xử phạt hoặc được xử phạt cao hơn, rộng hơn là thẩm quyền mà luật, pháp lệnh quy định. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/20052/CT-TTg về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giữ vững trật tự kỷ cương trong hoạt động này, trong đó có lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.

Không chỉ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATGT chưa đúng thẩm quyền quy định, việc ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động bảo đảm ATGT tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước và thể hiện sự lúng túng, bị động trước thực tế diễn biến phức tạp của trật tự an toàn giao thông.

Cùng với đó là việc sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đã lạc hậu, bất cập trong nhiều trường hợp còn chưa kịp thời như việc sửa đổi bổ sung Nghị định 152/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ (thay đổi quy định về tốc độ đối với các loại phương tiện giao thông trên các tuyến đường; mức xử phạt, hình thức xử phạt đối với người vi phạm...).

Cho đến tháng 3-2006, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an mới đang đề xuất và thành lập ban soạn thảo sửa đổi Nghị định này.

(Theo Tin tức)