Những kết quả nổi bật trong công tác Tư pháp năm 2016 không thể không nói đến sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành, sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trước thềm Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp 2017, phóng viên đã ghi nhận một số ý kiến:
Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Tăng cường phối hợp trong công tác tư pháp, Thi hành án dân sự
Tôi đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp – VKSNDTC trong thời gian qua, mối quan hệ tốt đẹp này hai ngành cần gìn giữ, duy trì và phát triển trong thời gian tới. Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật, có nhiều kinh nghiệm, nhiều chuyên gia tốt, nên cần có sự chia sẻ, hỗ trợ VKSNDTC, đặc biệt là xây dựng các luật về tư pháp, trước mắt là Bộ luật hình sự. Những vấn đề khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền các đơn vị cấp Cục, Vụ của hai cơ quan thì các đơn vị này cần chủ động tham mưu, đề xuất cách giải quyết. Tùy mức độ, lãnh đạo VKSNDTC sẽ chỉ đạo, giải quyết trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, tất cả vì hiệu quả công việc chung. Hai bên cũng tăng cường phối hợp trong công tác Thi hành án dân sự, tập trung những vụ việc trọng điểm, kéo dài. |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng:
9 nhiệm vụ trong công tác pháp chế ngành Giáo dục đều có “hình bóng” của Bộ Tư pháp
Năm 2016, công tác phối hợp giữa hai Bộ rất hiệu quả và được thể hiện qua kết quả triển khai 9 nhiệm vụ cơ bản đều có “hình bóng” rất cụ thể của Bộ Tư pháp. Văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành tạo hành lang pháp lý cho ngành Giáo dục hoạt động có hiệu quả. Nổi bật là năm 2016, cơ bản các văn bản nợ đọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn trong danh sách các đơn vị nợ đọng văn bản.
Có được các kết quả này là do hai Bộ đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-BGDĐT-BTP phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp năm 2016. Đặc biệt là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo hai Bộ, nhất là sự chỉ đạo của hai đồng chí Bộ trưởng, công tác chuyên môn của các đơn vị thuộc hai Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế của ngành Giáo dục…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị: Cần tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân
Tôi ghi nhận, đánh giá cao công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, Nam Định cũng còn những khó khăn nhất định như trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nhưng ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân rất hạn chế, do đó ngành Tư pháp càng phải phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cần tăng nguồn lực, làm rõ trách nhiệm các cơ quan trong công tác phổ biến pháp luật để hạn chế khiếu nại của người dân.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác pháp chế; năng lực hoạt động của các trung tâm đấu giá tài sản để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cần có cơ chế phối hợp để đẩy nhanh tiến độ cấp phiếu lý lịch tư pháp; có chế tài đủ mạnh trong công tác Thi hành án dân sự; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân.. UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đến tư pháp, THADS để tư pháp, THADS tham gia sâu vào các công việc quan trọng của tỉnh.
Ông Lê Văn Tâm- Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ: Chú trọng xã hội hóa hoạt động công chứng
Xác định công tác tư pháp là công tác có tầm quan trọng đặc biệt trong quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật, trong năm qua ngành Tư pháp thành phố tiếp tục khẳng định được vai trò, chức năng tham mưu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động tư pháp.
Nổi bật là Ngành tham mưu thực hiện tốt vai trò thẩm định dự thảo văn bản QPPL, góp phần tích cực trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đặc biệt, công tác PBGDPL luôn chú trọng tuyên truyền, xây dựng được các “chân rết” ở CLB pháp luật, tủ sách pháp luật ở các “Quán cà phê pháp luật” để thực hiện việc tuyên truyền... Từ đó, tạo chuyển biến sâu rộng trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.
Việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp được thành phố quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 thành phố đã hoàn thành việc chuyển đổi mô hình Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng, đưa Cần Thơ trở thành đơn vị dẫn đầu trong khu vực ĐBSCL trong việc xã hội hóa hoạt động công chứng, được nhiều địa phương trong cả nước đến trao đổi kinh nghiệm.
Ông Đinh Khắc Đính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Tư pháp gắn kết với nhiệm vụ chính trị địa phương
Công tác tư pháp năm 2016 ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã gắn kết tốt với nhiệm vụ chung của địa phương, đã có những đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục được khẳng định. Ngành Tư pháp địa phương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp; nhiều mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao.
Đặc biệt, công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tập trung thực hiện đổi mới về hình thức, nội dung, phù hợp với từng đối tượng, trong đó, nổi bật là việc tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021. Bên cạnh những mặt đã đạt, công tác tư pháp năm 2016 trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần nghiêm túc đánh giá một cách toàn diện, chính xác, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục để công tác năm 2017 tiếp tục được triển khai có trọng tâm, trọng điểm với những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn.
Ông Thân Đức Hưởng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Mong tư pháp tiếp tục phát triển toàn diện
Cùng với những nỗ lực, cố gắng chung của tỉnh, thời gian qua ngành Tư pháp Cà Mau đã tích cực thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chức năng, góp phần rất quan trọng vào thành quả chung trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ mới. Hoạt động hòa giải cơ sở được quan tâm; các hoạt động trợ giúp pháp lý, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp đã phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người kinh doanh cũng như các hoạt động của đời sống xã hội. Công tác theo dõi thi hành pháp luật cũng được ngành chú trọng thực hiện, công tác thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả tốt… Với những kết quả đạt được, tôi tin tưởng rằng ngành Tư pháp tỉnh Cà Mau nói riêng và ngành Tư pháp trong Khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM: Sẽ nỗ lực để ngày càng nâng cao vị thế, vai trò của ngành Tư pháp.
Trong năm qua, Tư pháp TP đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm mà TP đề ra. Sở Tư pháp TP đã có sự tham mưu tốt cho UBND TP trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Đặc biệt, việc tham mưu UBND TP ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư trên địa bàn quốc tế là một bước đi quan trọng trong việc tạo thể chế và hành lang pháp lý trong công tác chỉ đạo, điều hành của TP trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Hầu hết các ý kiến tư vấn giải quyết vụ việc của Sở đều được TP đánh giá cao, nhận sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị đề nghị tư vấn.
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên triển khai Luật Hộ tịch. Nhờ chuẩn bị tốt việc thi hành Luật đã đạt những kết quả tích cực; công tác tuyên truyền pháp luật được đẩy mạnh; công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp đã giảm thiểu được tỉ lệ trễ hẹn, từ hơn 18% xuống chỉ còn 2%....
Năm 2016 chuẩn bị kết thúc với nhiều thành tựu tốt đẹp, nhưng trước mắt là cả một năm đầy trọng trách và thách thức. Ngành Tư pháp TP sẽ nỗ lực để ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của mình, cũng như lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo quan trọng trong mọi hoạt động của mình.
Nhóm Phóng viên