BLDS năm 2015 - bước tiến lớn trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự

14/12/2016
Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. BLDS năm 2015 có bố cục gồm 6 phần, 27 chương, 689 điều, trong đó đã thể hiện rất nhiều nội dung mới và sự đột phá trong tư duy pháp lý và có thể nói là bước tiến lớn trong việc ghi nhận, bảo vệ tốt hơn các quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của người dân.
BLDS năm 2015 quy định quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình; việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trong các chế định cụ thể, BLDS năm 2015 cũng đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thực hiện, bảo vệ quyền dân sự theo hướng việc hạn chế, thay đổi, chấm dứt quyền dân sự không phải theo quy định của pháp luật như trong BLDS năm 2005 mà phải do “luật định[1], như:
- Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác;
- Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó;
- Thời hiệu là thời hạn do luật quy định;
- Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật;
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định. Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác;
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác;
- Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao;
- Quyền hưởng dụng, quyền bề mặt được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc; có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác;
- Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật; việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định;
- Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác;
- Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp luật có quy định;
- Tài sản được quy định tại Bộ luật dân sự đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó;
- Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật;
- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất;
- Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác;
- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác...
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành được ban hành trên cơ sở cụ thể hóa BLDS năm 2005 nên không còn phù hợp với tinh thần của BLDS năm 2015 về giới hạn quyền dân sự, do đó, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ví dụ:
- Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức quy định về thời hiệu như sau: "Thời hiệu khởi kiện là 09 tháng, kể từ khi hàng hóa được giao trả xong cho người nhận hàng theo quy định tại khoản 3 Điều 20 của Nghị định này hoặc sau ngày đáng lẽ hàng hóa được giao trả theo quy định trong hợp đồng vận tải đa phương thức hoặc sau ngày theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 của Nghị định này".
- Khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng quy định:
"1. Hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
b) Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng quy định tại Điều 4 Nghị định này;
c) Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.
2. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng)".
- Điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền đối với các hành vi sau: "d) Nhận cầm cố tài sản mà theo quy định tài sản đó phải có giấy tờ sở hữu nhưng không có các loại giấy tờ đó; đ) Nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định; e) Cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền hợp lệ của người đó cho người mang tài sản đi cầm cố". Như vậy, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP đã tiếp cận quan hệ cầm cố ở góc độ quản lý hành chính và xử phạt với giao dịch mà người nhận cầm cố không có cơ sở xác định tài sản cầm cố là thuộc sở hữu hoặc thuộc quyền quản lý hợp pháp của người cầm cố. Điều này không phù hợp với tinh thần của BLDS năm 2015 và các VBQPPL hướng dẫn về giao dịch bảo đảm, theo đó, các văn bản này chỉ quy định các nội dung nêu trên dưới góc độ là căn cứ để xem xét điều kiện có hiệu lực của giao dịch chứ không phải vấn đề vi phạm trật tự, an toàn xã hội.
- Điều 24 Luật thương mại năm 2005 quy định: "Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó"...
Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành mới hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình để phù hợp với nguyên tắc việc hạn chế, thay đổi, chấm dứt quyền dân sự không phải theo quy định của pháp luật mà phải do luật định.
 
[1] Khoản 2 Điều 9, Điều 13, khoản 2 Điều 14, Điều 18, Điều 25, khoản 3 Điều 31, điểm c khoản 4 Điều 33, khoản 2 Điều 34, khoản 3 Điều 36, khoản 2, khoản 3 Điều 38, Điều 74, khoản 2, khoản 3 Điều 87, khoản 2 Điều 101, điểm c khoản 1 Điều 117, khoản 2 Điều 117, khoản 1 Điều 149, Điều 158, Điều 160, khoản 1 Điều 161, Điều 162, khoản 2 Điều 214, khoản 1 Điều 219, khoản 4 Điều 220, khoản 8 Điều 221, điểm b khoản 3 Điều 225, Điều 236, khoản 8 Điều 237, Điều 246, Điều 247, khoản 2 Điều 278, khoản 4 Điều 312, khoản 1 Điều 320, khoản 5 Điều 321, khoản 6 Điều 323, Điều 360, khoản 1 Điều 372, điểm b khoản 1 Điều 388, khoản 7 Điều 422, Điều 431, khoản 1 Điều 459, khoản 3 Điều 465, khoản 4 Điều 466, khoản 1 Điều 468, khoản 2 Điều 470, khoản 1 Điều 473, Điều 514, khoản 2 Điều 570, khoản 1 Điều 573, Điều 584, Điều 598, điểm b khoản 1 Điều 630…