Phần mềm đăng ký khai sinh (ĐKKS) và cấp số định danh cá nhân (ĐDCN) được thí điểm từ đầu năm 2016 tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực, được người dân rất đồng tình và phấn khởi đón nhận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm phần mềm ĐKKS, cấp số ĐDCN tại các địa phương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục.
Hàng trăm nghìn trẻ em được cấp số định danh
Là 1 trong 4 thành phố đầu tiên triển khai thí điểm phần mềm ĐKKS và cấp số ĐDCN, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng Châu Thanh Việt cho biết, thành phố có 56 xã, phường (11 xã và 45 phường). Từ đầu năm 2016 đến nay, tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố đều triển khai áp dụng phần mềm ĐKKS và cấp số ĐDCN. UBND các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn đều quan tâm mua sắm đầy đủ các trang thiết bị làm việc, kết nối mạng internet để phục vụ công tác đăng ký hộ tịch.
Tại Hà Nội, toàn bộ các Phòng Tư pháp cấp quận, huyện và UBND cấp xã, phường của thành phố cũng đã đưa vào sử dụng phần mềm ĐKKS. Tính đến ngày 29/11/2016, sau 11 tháng triển khai, Hà Nội đã tiến hành ĐKKS mới cho 115.946 trường hợp. Trong đó số ĐKKS được cấp số ĐDCN là 115.405 trường hợp, còn lại 41 trường hợp không cấp số ĐDCN là do trẻ em có quốc tịch nước ngoài hoặc do thuộc trường hợp ĐKKS mới cho người trên 14 tuổi.
Sau gần một năm thực hiện việc đăng ký số ĐDCN khi ĐKKS, thành phố Hải Phòng đã cấp số ĐDCN và ĐKKS cho hơn 22.000 trẻ em. Được biết, việc cấp số ĐDCN còn được phát huy hiệu quả hơn khi tới đây hoàn thành “Cơ sở dữ liệu dân cư” với gần 2 triệu công dân trên địa bàn, Hải Phòng sẽ cùng Bộ Công an cấp số định danh cho toàn bộ số công dân này. Hiện các đơn vị chức năng đã cấp số định danh tạm thời cho gần 2 triệu công dân để quản lý trên hệ thống.
Riêng huyện Quế Phong (Nghệ An), tuy là một trong những huyện miền núi 30a đầu tiên của cả nước, nơi hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Khơ Mú sinh sống nhưng triển khai thí điểm việc truy cập, kích hoạt tài khoản và nhập thông tin vào hệ thống khai sinh điện tử, cấp số ĐDCN được người dân rất ủng hộ. Tính đến hết ngày 25/11, 14/14 xã, thị trấn của huyện Quế Phong đã triển khai ứng dụng phần mềm ĐKKS và cấp số ĐDCN cho 1.352 trường hợp; trong đó chỉ có 5 trường hợp yêu cầu điều chỉnh thông tin do cán bộ tư pháp - hộ tịch nhập sai dữ liệu.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hộ tịch
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm phần mềm ĐKKS, cấp số ĐDCN, các địa phương vẫn gặp một số khó khăn. Cán bộ dễ nhầm lẫn khi nhập thông tin bởi mẫu Tờ khai ĐKKS, phần khai về họ, chữ đệm, tên của người cha ghi ở phía trên nhưng trong phần mềm và bản chính Giấy khai sinh thì phần khai này lại ghi ở phía dưới. Trong quá trình xử lý, nhập thông tin ĐKKS vào phần mềm, có một số trường hợp cán bộ nhập sai thông tin so với Tờ khai ĐKKS (Sổ ĐKKS và Giấy khai sinh đều cấp đúng) mặc dù được phát hiện ngay sau đó nhưng không thể chỉnh sửa vì đã gửi dữ liệu để xin cấp số ĐDCN... Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp đã chỉnh sửa, hoàn thiện phần mềm nêu trên, từ tháng 9/2016 đến nay đã cơ bản đáp ứng được việc đăng ký hộ tịch tại địa phương.
Trong thời gian tới, để đảm bảo ứng dụng hiệu quả phần mềm điện tử đăng ký giấy khai sinh và cấp số ĐDCN, Phòng Tư pháp – Hộ tịch huyện Quế Phong tích cực chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn trong toàn huyện. Huyện Quế Phong cũng đề xuất với tỉnh Nghệ An quan tâm bố trí kinh phí, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác ĐKKS điện tử, cấp số ĐDCN, đồng thời mong muốn Bộ Tư pháp sớm có giải pháp, giải quyết kịp thời đối với những trường hợp yêu cầu sửa sai trên hệ thống phần mềm điện tử, tạo điều kiện để huyện Quế Phong tiếp tục được thí điểm sử dụng phần mềm ĐKKS, cấp số ĐDCN.
Đà Nẵng thì đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch nói chung, mở rộng triển khai áp dụng phần mềm trong đăng ký các loại giấy tờ khác (đăng ký kết hôn, khai tử, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân…) nhằm nâng cao chất lượng đăng ký và hiệu quả quản lý hộ tịch, bảo vệ bí mật thông tin của cá nhân theo quy định.
Khắc phục những vướng mắc trên, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bàn bạc tháo gỡ những khó khăn theo đề xuất của các đơn vị ở cơ sở và trao đổi, rút kinh nghiệm thường xuyên trong quá trình triển khai thực hiện, nhằm giảm tối đa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Bên cạnh đó, Trưởng phòng Hành chính – Tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) Nguyễn Thị Hằng cho biết sẽ tăng cường phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) để nghiên cứu và bổ sung, chỉnh sửa phần mềm cho phù hợp với thực tế, từng bước đưa công tác ĐKKS và cấp số ĐDCN vào nền nếp.
Hoàng Thư