UBTVQH cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016

17/02/2016
Sáng nay (17/2), UBTVQH khai mạc phiên họp thứ 45 với việc cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, qua thảo luận, Chính phủ nhận thấy, một số nội dung lớn của dự án Luật ý kiến của các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau, cần phải tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý tạo sự đồng thuận cao hơn, như về đối tượng điều chỉnh (có bao gồm người nước ngoài hay không); những người không được tổ chức tham gia biểu tình; thẩm quyền cho đăng ký biểu tình; vấn đề áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với hoạt động biểu tình…

Bên cạnh đó, nội dung của dự án Luật biểu tình có liên quan chặt chẽ đến một số văn bản khác như dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sẽ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2); Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp (đang nghiên cứu để xây dựng Luật)…

Do vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chính lý, hoàn thiện dự án Luật theo đúng mục tiêu, quan điểm đã xác định, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, đồng bộ với các văn bản khác có liên quan, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Biểu tình tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII

Tuy nhiên, đánh giá tầm quan trọng của sự cần thiết của dự án Luật biểu tình để bảo đảm quyền con người, quyền công dân và tạo công cụ quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, UBTVQH không đồng tình với đề nghị của Chính  phủ về việc xin lùi thời điểm trình dự án Luật biểu tình. Theo UBTVQH, Chính phủ cần trình dự án Luật này tại kỳ họp thứ XI như Chương trình đã quy định

UBTVQH cũng thống nhất với ý kiến của Thường trực Ủy ban pháp luật về tiến độ trình Quốc hội khóa XIII thông qua dự án Luật đấu giá tài sản. Theo đó, để bảo đảm tính khả thi của Chương trình kỳ họp thứ 11, giữ thời gian trình dự án Luật này theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Đối với đề nghị của TANDTC về bổ sung dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017), UBTVQH nhận thấy sự cần thiết của việc ban hành luật về mặt thủ tục, để bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị TANDTC gửi xin ý kiến chính thức của Chính phủ về vấn đề này và hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (chuẩn bị Bản thuyết minh trong đó nêu rõ chính sách cơ bản, nội dung chính của văn bản, Báo cáo đánh giá tác động) để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội làm cơ sở xem xét, đưa dự án vào Chương trình.

Đối  với dự án Luật hành chính công do Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016), UBTVQH nhận thấy, đây là sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội và đã được đề xuất từ năm 2013, đại biểu đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia, sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp. Dự thảo Luật đã được đưa ra xin ý kiến tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học và tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về hành chính công. Mặt khác, việc đề cao nguyên tắc nền hành chính công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Điều này đã được chú trọng thể chế trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong thời gian qua.

Vì vậy, sáng kiến xây dựng Luật hành chính công nhằm quy định về hoạt động hành chính công, dịch vụ hành chính công trong một đạo luật để người dân thuận tiện theo dõi, tiếp cận là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, hành chính công là lĩnh vực pháp luật có nội dung rất rộng, đang được điều chỉnh trong các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thanh tra, Luật kiểm toán nhà nước, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật công chứng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật... Ngoài ra, còn có nhiều luật chuyên ngành điều chỉnh về hoạt động, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính và thủ tục hành chính trong từng lĩnh vực. Do đó, nội dung của Luật hành chính công cần phải có sự quy định tách bạch phạm vi hành chính công, hoạt động hành chính công với nền hành chính nói chung; nội dung của dự thảo Luật phải rõ ràng, tránh trùng lặp với quy định của các luật hiện hành.

Bên cạnh đó, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chính phủ sẽ trình dự án Luật ban hành quyết định hành chính, mà trong dự án Luật này sẽ quy định về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính… Do đó, nhằm bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động này, thì cần làm rõ phạm vi điều chỉnh của hai dự án Luật này để tránh trùng lặp hoặc mâu thuẫn.

Hiện nay dự án Luật hành chính công chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ, nên đề nghị đại biểu hoàn thiện văn bản gửi Chính phủ cho ý kiến chính thức về đề nghị xây dựng Luật hành chính công để bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, UBTVQH cho rằng việc trình dự án Luật hành chính công tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII (tháng 3/2016) là không khả thi, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trước khi trình cho ý kiến./.

H.Giang