Tháo gỡ rào cản từ một số quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước

13/02/2016
Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sau đây gọi tắt là Luật TNBTNN) năm 2009 có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống xã hội và có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và cách ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Luật TNBTNN là một trong những biện pháp chống lại sự lạm quyền của những người thi hành công vụ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhập, đặc biệt với sự ra đời của Hiến pháp năm 2013, bản thân Luật có nhiều quy định không còn phù hợp trong tình hình mới.

Theo khoản 1 Điều 4 Luật TNBTNN “người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp quy định tại Điều 26 của Luật này”. Cũng tại khoản 3 Điều 16 của Luật quy định “kèm theo đơn yêu cầu bồi thường phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định là hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ”. Như vậy, điều kiện để thụ lý, xem xét yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại phải có văn bản của cơ quan nhà nước xác định hành vi của cán bộ, công chức là trái pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này lại gây khó khăn cho người bị thiệt hại trong trường hợp cơ quan Nhà nước chậm ban hành hoặc không ban hành văn bản xác định hành vi của cán bộ, công chức là trái pháp luật.

Theo khoản 2 Điều 6 của Luật căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải có 02 điều kiện: Thứ nhất, có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này; Thứ hai, có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại. Quy định này trên thực tế rất khó thực hiện, xuất phát từ nội dung và bản chất của mối quan hệ giữa một bên là cơ quan nhà nước và một bên là cá nhân hoặc tổ chức bị thiệt hại, để có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đòi hỏi phải thực hiện thông qua một quy trình phức tạp, trong một trường hợp còn có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm, không kịp thời ban hành văn bản.

Xác minh thiệt hại là một trong những công việc trọng tâm của công tác giải quyết yêu cầu bồi thường. Hầu hết các vụ việc yêu cầu bồi thường đều có nhiều tình tiết phức tạp, thời gian xảy ra lâu, xác minh tại nhiều nơi, nhiều cơ quan, thậm chí phải tiến hành các thủ tục giám định hoặc định giá tài sản… Thủ tục thương lượng cũng chiếm thời gian tương đối lớn. Một số trường hợp thương lượng kéo dài nhiều năm không đạt được kết quả hoặc chậm ra quyết định giải quyết bồi thường. Trong khi đó Luật TNBTNN chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người được bồi thường. Người bị thiệt hại phải có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại là một gánh nặng lớn đối với họ mà lẽ ra nhiệm vụ chứng minh phải chuyển cho Nhà nước – chủ thể có đủ các điều kiện để thực hiện.

Người bị thiệt hại không chỉ ở lĩnh vực tố tụng hình sự mà có nhiều lĩnh vực khác như hành chính, dân sự. Trên thực tế, có rất nhiều sai sót xảy ra do người thi hành công vụ trong lĩnh vực hành chính gây ra, nhưng thiếu quy định của pháp luật và  khoản 2 Điều 6 của Luật cũng chỉ tính đến lĩnh vực tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 56 của Luật cũng chỉ quy định người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự không phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Tuy nhiên, trong hoạt động tố tụng hình sự các vụ việc yêu cầu bồi thường chủ yếu được xác định là do lỗi vô ý của người thi hành công vụ. Theo Báo cáo của Chính phủ số 552/BC-CP ngày 20/10/2015 thì số tiền mà Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về việc việc giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật trong phạm vi cả nước đối với 03 hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án là 42 tỷ 536 triệu 450 nghìn đồng, riêng vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang về tố tụng hình sự số tiền đã là 7,2 tỷ đồng. Như vậy Luật cũng cần tính đến quy định thống nhất trách nhiệm hoàn trả giữa những người thi hành công vụ trong cả 03 hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án nói chung.