Sáng ngày 27 tháng 01 năm 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ Quán Anh và Bắc Ai-len tổ chức Hội thảo tham vấn về Báo cáo kết quả rà soát pháp luật đấu thầu Việt Nam với các cam kết về mua sắm công trong EVFTA. Hội thảo được tổ chức với mục đích tham vấn các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về kết quả Báo cáo rà soát do nhóm chuyên gia của VCCI thực hiện. Là đơn vị từng tiến hành rà soát pháp luật Việt Nam với một số hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, cam kết WTO, ASEAN và gần đây nhất là cam kết trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và là khách mời tham dự, Vụ Pháp luật quốc tế cung cấp một số thông tin liên quan đến kết quả của Hội thảo và có một số bình luận về kinh nghiệm rút ra từ hoạt động rà soát pháp luật trong nước với các cam kết quốc tế và một số kiến nghị để nâng cao chất lượng của hoạt động này.
(i). Về kết quả hoạt động rà soát pháp luật về đấu thầu với cam kết về mua sắm chính phủ trong EVFTA
Cùng với TPP, kết thúc đàm phán EVFTA đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập thương mại của Việt Nam, đây một trong hai Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất mà Việt Nam từng tham gia. Việc đánh giá tác động chính trị, kinh tế-xã hội trong đó có tác động đến hệ thống pháp luật trong nước đã được cơ quan chủ trì đàm phán tiến hành trước và trong suốt quá trình đàm phán, thể hiện thông qua các báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và công văn tham vấn các Bộ, ngành chịu tác động của các lĩnh vực cam kết. Tuy nhiên, từ khi Hiệp định EVFTA được lãnh đạo cấp cao Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán tháng 12.2015 đến nay, chưa có một báo cáo tổng thể và chi tiết về tác động của các cam kết trong EVFTA đối với hệ thống pháp luật Việt Nam được công bố. Báo cáo rà soát của VCCI là tài liệu đầu tiên, do đó thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà hoạt động chính sách và doanh nghiệp.
Trước EVFTA và TPP, Việt Nam chưa từng cam kết về lĩnh vực mua sắm công, vì vậy, pháp luật Việt Nam về đấu thầu không phải chịu sự tác động của bất kỳ cam kết quốc tế nào trước đó. Do đó, một trong những mục tiêu của công tác rà soát là xác định các nội dung chưa tương thích giữa EVFTA về mua sắm công và pháp luật hiện hành của Việt Nam để từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện cam kết. VCCI cho rằng hoạt động rà soát này được thực hiện dưới góc độ của doanh nghiệp Việt Nam, để từ đó đề xuất giải thực thi Hiệp định theo cách thức có lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, báo cáo này có thể khác với các báo cáo rà soát được tiến hành bởi các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình chuẩn bị cho việc ký kết và thực thi EVFTA.
Báo cáo rà soát của VCCI đã đưa ra một số kết quả ban đầu. Theo đó, về cơ bản các cam kết về mua sắm công trong EVFTA đã có trong pháp luật về đầu thấu của Việt Nam, chủ yếu là các nghĩa vụ mang tính cam kết nền như kasi niệm nguyên tác minh bạch, cạnh tranh trong trình tự thủ tục đấu thấu… Những cam kết này được phân loại thành nhóm “đã tương thích”. Đối với nhóm nghĩa vụ này, Báo cáo khẳng định khong cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi pháp luật trong nước đẻ thực thi cam kết.
Báo cáo cũng sơ bộ chỉ ra một số nội dung còn có sự chưa tương thích giữa cam kết EVFTA và pháp luật trong nước được liệt kê trong nhóm cam kết“chưa tương thích”, bao gồm: những nghĩa vụ đặc thù của EVFTA (về phạm vi điều chỉnh và các trường hợp ngoại lệ), nhóm các nghĩa vụ liên quan tới minh bạch và cạnh tranh và nhóm các nghĩa vụ liên quan tới hệ thống đấu thầu (về điều kiện đối với từng hình thức đấu thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật và kiếu nại…). Từ kết quả rà soát, Báo cáo đưa ra hai kiến nghị ban đầu để lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp: Thứ nhất là xây dựng văn bản riêng thực thi EVFTA theo hình thức Nghị định của Chính phủ để nội luật hóa các cam kết trong EVFTA. Thứ hai là sửa đổi Luật đấu thầu năm 2013 áp dụng cho các cam kết chung về minh bạch, cạnh trang và sẽ áp dụng chung cho toàn bộ hệ thống đầu thấu không chỉ dành riêng cho cam kết trong EVFTA.
Cơ quan rà soát cũng chia sẽ những khó khăn trong quá trình thực hiện công tác rà soát, trong đó có thể kể đến: tiếp cận lời văn cuối của Hiệp định; việc hiểu đúng và đầy đủ các thuật ngữ, bối cảnh và lịch sử đàm phán để hiểu rõ lý do vì sao các cam kết được hình thành, thực tiễn thực thi pháp luật về đấu thầu của Việt Nam…
Tại hội thảo rất nhiều ý kiến của các chuyên gia độc lập, thành viên đoàn đàm phán EVFTA, cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, các ý kiến chủ yếu tập trung vào bối cảnh và lịch sử các phương án đàm phám, cách hiểu đúng và đầy đủ nội dung cam kết, tính tương thích của các cam kết đối với pháp luật trong nước, những vướng mắc trong quá trình triển thực thi pháp luật hiện hành về đấu thầu và kiến nghị phương án để thực thi hiệu quả cam kết EVTA.
(ii). Một số kinh nghiệm và kiến nghị
Từ kết quả trao đổi tại Hội thảo tham vấn nêu trên, có thể nhận thấy hoạt động rà soát pháp luật trong nước với các cam kết quốc tế là việc làm cần thiết, tuy nhiên cơ quan chủ trì rà soát, đối tượng tham gia rà soát, phương pháp rà soát… là những vấn đề cần quan tâm để công tác này có hiệu quả. Từ kinh nghiệm rà soát pháp luật trong nước phục vụ cho việc thực thi các cam kết thương mại quốc tế trước đây, chúng tôi cho ràng, để công tác này hiệu quả, cần chú ý một số vấn đề:
Thứ nhất về thời điểm tiến hành rà soát pháp luật: Có thể nhận thấy việc rà soát các cam kết dự kiến trước khi có cam kết chính thức (bản lời văn cuối của hiệp định) là hoạt động cần thiết vì rà soát sau khi lời văn của hiệp định đã được công bố sẽ khiến cho công tác này trở nên khá gấp rút. Kinh nghiệm từ các hoạt động rà soát trước đây cho thấy, việc rà soát pháp luật trong nước nên được tiến hành trước và song song với quá trình đàm phán và sau đó sẽ cập nhật theo tiến độ đàm phán đến bản lời văn cuối cùng. Tuy nhiên, dự thảo bản cuối của các Hiệp định thường do cơ quan chủ trì đàm phán phụ trách và công bố theo lộ trình, việc tiếp cận lời văn dự thảo không phải là việc dễ dàng. Do đó, cần có cơ chế để các cơ quan phụ trách rà soát pháp luật được tiếp cận lời văn của dự thảo ở giai đoạn càng sớm càng tốt.
Thứ hai, về phương pháp tiến hành rà soát: Báo cáo của VCCI tập trung vào 2 nhóm cam kết: cam kết đã tương thích và cam kết chưa tương thích với pháp luật Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động rà soát của các cơ quan nhà nước từ trước đến nay cũng theo phương pháp này, nhưng không tập trung xác định các lĩnh vực đã tương thích mà chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chưa tương thích. Bởi mục đích cuối cùng của công tác rà soát pháp luật chính là các kiến nghị để điều chỉnh pháp luật cho phù hợp và đảm bảo việc thực thi cam kết. Việc xác định các lĩnh vực chưa tương thích cũng ảnh hưởng tới kiến nghị điều chỉnh pháp luật để thực thi cam kết.
Có rất nhiều trường hợp, ngay cả khi pháp luật trong nước chưa phù hợp, chưa tương thích chúng ta cũng chưa cần phải sửa đổi pháp luật ngay lập tức mà phụ thuộc vào nội dung cam kết, chúng ta có thể có giai đoạn chuyển đổi, hoặc có thời gian cho công tác chuẩn bị thực thi các cam kết chưa phù hợp, từ đó xác định lộ trình điều chỉnh pháp luật trong nước cho phù hợp.
Thứ ba, công tác phối hợp: kết quả trao đổi tại Hội thảo cho thấy sự tham gia của thành viên đoàn đàm phán Hiệp định EVFTA rất quan trọng bởi lịch sử quá trình đàm phán, trao đổi giữa hai Bên là yếu tố then chốt giúp hiểu đúng, đầy đủ về từng thuật ngữ, nội dung cam kết. Các hiểu đúng sẽ giúp cho việc so sánh, đối chiếu giữa cam kết và pháp luật trong nước trở nên thuận lợi hơn. Do đó, khi thành lập nhóm rà soát pháp luật trong nước với các cam kết quốc tế, bên cạnh các chuyên gia pháp lý cần chú trọng sự tham gia của thành viên đoàn đàm phán và cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm thực thi từng lĩnh vực cam kết cụ thể.
Thứ tư, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động của Hiệp định: Mặc dù các cơ quan nhà nước tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại, đối tượng thực thi và chịu tác động của các cam kết đó phần lớn là cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, sự tham gia của cộng đồng này trong suốt quá trình từ trước, trong và sau khi kết thúc đàm phán là vô cùng quan trọng. Việc cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình rà soát pháp luật trong nước với nội dung các cam kết là một kênh thông tin để doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc, trong bị thông tin về nội dung cam kết, từ đó có thể đề xuất các giải pháp thực thi hiệp định theo cách nhìn nhận cảu doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích của họ trong quá trình thực thi.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
Nguyễn Thị Nhung Vụ Pháp luật quốc tế