Đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế phát triển nhanh về số lượng và chất lượng

12/10/2015
Đội ngũ luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế phát triển nhanh về số lượng và chất lượng
Sau 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” được phê duyệt theo Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp - Đỗ Hoàng Yến.

- Xin Cục trưởng cho biết những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Đề án 123?

Đề án 123 về phát triển đội ngũ luật sư hội nhập quốc tế được Thủ tướng Chính phủ ban hành  nhằm  góp phần thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Sau 5 năm thực hiện, Đề án 123 đã khẳng định được tầm quan trọng và sự cần thiết đối với công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, có thể khẳng định những kết quả nổi bật sau đây:

Thứ nhất là sự nâng cao về nhận thức. Nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của hoạt động luật sư trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến rõ rệt. Nhiều cơ quan, tổ chức đã rất coi trọng việc có luật sư trong hoạt động kinh doanh, thương mại của mình, đặc biệt là trong quan hệ kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Chính phủ, các Bộ ngành, Ủy ban các tỉnh thành phố lớn cũng rất quan tâm, chú ý tới vai trò của luật sư trong các hoạt động liên quan đến hội nhập quốc tế. 

Thứ  hai, thể chế về phát triển đội ngũ luật sư hội nhập có bước hoàn thiện đáng kể. Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Nghị định số 123/2013/NĐ-CP và 04 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành khác có liên quan đang xây dựng 01 dự thảo Nghị định, 03 dự thảo Đề án liên quan đến việc phát triển đội ngũ chuyên gia pháp luật, luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Các văn bản được ban hành đã được triển khai trong thực tế, góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển tổ chức và hoạt động luật sư nói chung và luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế nói riêng.

Thứ ba, có sự phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Trước khi ban hành Đề án chúng ta mới có khoảng 20 luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế thì con số này hiện nay đã tăng lên 444 luật sư (gấp hơn 20 lần). Số lượng tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiện nay là 28 tổ chức, về cơ bản đã gần đạt mục tiêu của Đề án (phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế). Trong số các tổ chức hành nghề luật sư này, một số tổ chức đã hoạt động khá chuyên nghiệp, dần khẳng định thế mạnh và uy tín của mình, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài như công ty luật Vilaf Hồng Đức, YKVN..v.v. Chất lượng đội ngũ luật sư chuyên sâu về thương mại quốc tế cũng chuyên nghiệp hơn, đặc biệt ngày càng xuất hiện nhiều luật sư giỏi, được các hãng luật quốc tế và khu vực biết đến, nhiều luật sư được đào tạo và cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư ở các nước Anh, Mỹ, Úc..  nên đã đáp ứng được phần nào nhu cầu về dịch vụ pháp lý trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Thứ  tư, vai trò của đội ngũ luật sư trong việc tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp quốc tế có xu hướng tăng, hỗ trợ có hiệu quả cho Chính phủ, doanh nghiệp trong nhiều vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, tham gia giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Đội ngũ luật sư Việt Nam (hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam)  đã có nhiều hoạt động hợp tác, tham gia, trợ giúp cho các hãng luật nước ngoài trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc hoặc hỗ trợ tích cực cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân một số tỉnh trong quá trình các vụ kiện với nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ như vụ Saigon Metropolitan, vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình, vụ kiện Dialasie, vụ kiện South Fork, các vụ kiện tôm, cá ba sa…

Thứ năm, năng lực đào tạo  trong nước đối với đội ngũ luật sư hội nhập được tăng cường. Để thực hiện nhiệm vụ nâng cao năng lực đào tạo luật sư trong nước, ngày 19/2/2014, Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế thuộc Học viện Tư pháp đã được thành lập với mục tiêu liên kết với các cơ sở đào tạo nghề luật sư, công ty luật hoặc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư của các nước tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, Trung tâm đã tổ chức được 04 khóa tiếng Anh pháp lý, đang hoàn thiện Chương trình khung và Chương trình chi tiết đào tạo luật sư thương mại quốc tế để chuẩn bị tuyển sinh khóa đầu tiên. Trung tâm liên kết đào tạo luật sư được thành lập và đi vào hoạt động cũng là một trong những kết quả đáng ghi nhận của việc triển khai Đề án 123.

- Trong khi các tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều, nhu cầu sử dụng luật sư ngày càng lớn thì khó khăn lớn nhất của Việt Nam có phải là số lượng luật sư chuyên sâu phục vụ hội nhập còn rất ít, chất lượng cũng còn nhiều hạn chế?

Đúng vậy, đây cũng chính là vấn đề còn khó khăn, bất cập. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế thời gian qua cho thấy,  việc khởi kiện, kháng kiện và tham gia giải quyết tranh chấp tại WTO trong lĩnh vực phòng vệ thương mại của nước ta gặp nhiều khó khăn, hạn chế bởi thiếu đội ngũ luật sư chuyên ngành, hạn chế về mặt tài chính... Hiện nay, số lượng 444 chuyên gia pháp luật, luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế so với tổng số 9.750 luật sư cả nước còn rất khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, sự phân bố đội ngũ luật sư này còn chưa hợp lý giữa các vùng, miền trong cả nước, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chất lượng luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng còn nhiều hạn chế, thể hiện ở trình độ chuyên môn chưa đồng đều. Do vậy, nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ta phải thuê các Công ty luật nước ngoài tư vấn, đại diện trong quá trình giải quyết với chi phí rất cao, lại không chủ động về thời gian và nắm bắt diễn biến giải quyết tranh chấp, vấn đề cung cấp và bảo mật thông tin cũng gây nhiều khó khăn cho các bên.

- Ngoài ra, việc phát triển số lượng và chất lượng luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế còn những trở ngại nào thưa bà?

Sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương trong việc triển khai Đề án 123 chưa thực sự đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra, điều kiện đảm bảo thực hiện Đề án 123 còn hạn chế cả về tài chính, nhân lực, bộ máy. Nhiều nơi chưa quan tâm đến việc phát triển đội ngũ luật sư hội nhập, chưa thật sự coi trọng vai trò của luật sư. Chỉ có rất ít các địa phương xây dựng được cơ chế, chính sách hữu hiệu nhằm thu hút, sử dụng luật sư tham gia các dự án lớn với nước ngoài, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, các đoàn đàm phán quốc tế, xây dựng các chính sách, pháp luật về hội nhập. Vẫn còn tâm lý chưa thật sự tin tưởng vào đội ngũ luật sư Việt Nam nên không thuê luật sư Việt Nam, hãng luật Việt Nam để giải quyết các vụ kiện mà chủ yếu còn dựa vào các hãng luật nước ngoài.

Về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng luật sư thương mại quốc tế: Việc tổ chức đào tạo tại Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thuộc Học viện Tư pháp chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do học phí cao và cần có thời gian để khẳng định chất lượng đào tạo, tạo niềm tin đối với học viên. Theo tính toán thì hiện nay, mức học phí tham gia khoá đào tạo tại Trung tâm là quá cao so với khả năng chi trả của học viên. Việc đào tạo, bồi dưỡng tại một số tổ chức hành nghề luật sư vẫn đang được thực hiện, tuy nhiên, chỉ có rất ít tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp mới có điều  kiện thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước cho các luật sư của tổ chức mình.

Việc thành lập Câu lạc bộ luật sư hội nhập quốc tế do Liên đoàn luật sư Việt Nam chủ trì thực hiện nhưng cho đến nay, Câu lạc bộ chưa được thành lập nên chưa tạo ra cầu nối giữa Chính phủ với đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế. Chủ trương gửi luật sư, chuyên gia pháp luật đi đào tạo ở nước ngoài hầu như không thực hiện được do không có nguồn kinh phí, cơ chế hỗ trợ tài chính không phù hợp… 

- Bộ Tư pháp có giải pháp gì trước mắt cũng như lâu dài để đào tạo đội ngũ luật sư có thể nhanh chóng “vươn ra biển lớn”?

Để phát triển đội ngũ luật sư phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế, Bộ Tư pháp đang triển khai đồng bộ các Đề án về đào tạo luật sư, chuyên gia pháp luật am hiểu pháp luật và tập quán thương mại quốc tế, giỏi kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có khả năng được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư của nước hoặc bang được đào tạo. Hiện nay, Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích luật sư tự đào tạo, thu hút luật sư được đào tạo ở nước ngoài về phục vụ đất nước, tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư Việt Nam tham gia giúp Chính phủ trong các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan hỗ trợ tích cực cho Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thuộc Học viện Tư pháp đi vào hoạt động hiệu quả và tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập các trung tâm liên kết đào tạo luật sư của Liên đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư nhằm xã hội hóa và nâng cao năng lực đào tạo luật sư hội nhập theo hình thức du học tại chỗ. Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn luật sư Việt Nam hoạch định các chính sách cụ thể về việc sử dụng đội ngũ luật sư được đào tạo theo Đề án 123 hoặc tự đào tạo ở nước ngoài tham gia các dự án lớn với nước ngoài, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA; tham gia các đoàn đàm phán quốc tế và xây dựng các chính sách, pháp luật về hội nhập. Bên cạnh đó, tiếp tục có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ Liên đoàn luật sư Việt Nam trong việc cho ra đời Câu lạc bộ luật sư hội nhập, nhằm phát huy năng lực tự quản của luật sư, nguồn lực nội tại của đội ngũ luật sư trong việc phát triển đội ngũ luật sư hội nhập...

- Xin cảm ơn bà!

                                  Thu Hằng (thực hiện)