Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhắn gửi với CEO Việt tại diễn đàn: “Quá trình hội nhập buộc chúng ta phải chấp nhận những luật lệ mới với những tiêu chuẩn mới và những thách thức mới”. Để vượt qua được những thách thức đó và hội nhập thành công thì không phải tư duy phục vụ cho 90 triệu dân Việt Nam mà còn phải là tư duy phục vụ cho hơn 600 triệu dân ASEAN và tầm nhìn toàn cầu. Từ đó doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như nguồn nhân lực của mình và Nhà nước thông qua cải cách thể chế sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vietnam CEO Forum 2015 đã kết thúc thành công ngoài mong đợi (kết thúc ngày 24/9/2015) và để lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là hơn 1.000 CEOs trong và ngoài nước tham dự Chương trình cùng với 10.000 doanh nghiệp theo dõi Chương trình, nhiều báo đài đã đưa tin và bình luận và đều đánh giá chung rằng, cuộc gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Hà Hùng Cường tại Vietnam CEO Forum 2015 đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vì các lý do chính như sau:
Thứ nhất, vì Vietnam CEO Forum 2015 là sự kiện đỉnh cao quy tụ hơn 1.000 CEOs
Vietnam CEO Forum 2015 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của gần 20 diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế, trong đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường là diễn giả chính, thu hút hơn 1.000 CEOs trong và ngoài nước tham dự để thảo luận chia sẻ về các chủ đề mang tính thời sự sống còn của CEO Việt Nam. Chương trình Vietnam CEO Forum 2015 do Hội Doanh nhân trẻ khởi xướng và đồng tổ chức bởi các Câu lạc bộ – Hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu tại TP.Hồ Chí Minh: Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, Câu lạc bộ Doanh nhân 2030, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012. Qua bốn lần tổ chức (từ 2012 - 2015), Vietnam CEO Forum đã thu hút trên 4.000 doanh nhân trong ngoài nước tham dự; trên 40.000 nghìn doanh nghiệp biết đến. Vì vậy, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá đây là sự kiện đỉnh cao quy tụ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tham dự.
Thứ hai, tại Vietnam CEO Forum 2015 – Câu chuyện pháp lý lần đầu tiên được làm nóng trong cộng đồng doanh nghiệp
Trong bài phát biểu quan trọng dẫn đề tại Chương trình Vietnam Ceo Forum 2015, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã nhấn mạnh: Quá trình hội nhập buộc chúng ta phải chấp nhận những luật lệ mới và những thách thức mới. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh: hội nhập quốc tế giúp chúng ta đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều này đã được cả thế giới, đặc biệt là Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thừa nhận.
Thông qua hội nhập quốc tế, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức như: sức ép cạnh tranh, rủi ro trong kinh doanh, sự khác biệt về pháp luật, văn hóa pháp lý…
Tuy nhiên, chúng ta cần cố gắng đảm bảo đã hội nhập thì phải quyết tâm thành công; phải thành công không chỉ trên “sân nhà”, bao gồm “sân nhà” Việt Nam cũng như “sân nhà” ASEAN, mà cả “sân khách”, nhất là các “sân khách” mới sẽ được tạo lập thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sắp được ký kết như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu.
Các câu chuyện pháp lý như “Lạc vào đảo hoang chúng ta cần hạt giống hay dây thừng”; “Bước đi nào cho cuộc chơi mới”… là những câu chuyện pháp lý lần đầu tiên đã được làm nóng cộng đồng doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, giải pháp quan trọng nhất để đảm bảo thành công trong hội nhập là tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh, bao gồm cả 3 nhóm: (i) năng lực cạnh tranh của quốc gia; (ii) năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm; và (iii) năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.
Việc tăng cường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ thúc đẩy, hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và ngược lại. Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì cần phải hoàn thiện thể chế, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và tổ chức tốt việc thi hành pháp luật phù hợp với nhu cầu nội tại của đất nước cũng như các cam kết quốc tế. Điều này cần được thực hiện dựa trên 3 trụ cột: (i) kinh tế thị trường, (ii) Nhà nước pháp quyền, và (iii) phát huy dân chủ xã hội.
Tại Chương trình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã khẳng định: Dưới góc độ pháp luật và tư pháp, Bộ Tư pháp đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế thông qua việc giúp Chính phủ triển khai thực hiện 2 nhóm giải pháp dài hạn và ngắn hạn sau đây:
Đối với nhóm giải pháp dài hạn: (1) xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân; (2) phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho khởi nghiệp thành công, phát huy được vai trò của các hiệp hội, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Đối với nhóm giải pháp trước mắt: (1) hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013; (2) đầu tư thích đáng cho tổ chức thi hành pháp luật, chuyển hướng chiến lược từ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật; (3) cải cách tư pháp thành công với trọng tâm là tòa án; (4) cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ những rào cản pháp lý không cần thiết đối với quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Những giải pháp lâu dài và trước mắt nêu trên đã làm nóng Chương trình Vietnam CEO Forum 2015 và gây ấn tượng mạnh đối với cộng đồng Lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng khẳng định các giải pháp này là sự tiếp tục “dòng chảy cải cách” thể chế, pháp luật, tư pháp mà Bộ Tư pháp đã, đang và sẽ thực hiện nhằm góp phần đưa nền kinh tế bước vào “kỷ nguyên hội nhập quốc tế”, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Thứ ba, Bộ Tư pháp đã có những cảnh báo CEO trước giờ G
Với chủ đề “CEO 3.0 – Khởi đầu sứ mệnh: Tư duy 90 hay 600?”, Vietnam CEO Forum 2015 xoay quanh các vấn đề thời sự về thị trường 600 triệu dân trong khu vực sau khi Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN (AEC) vào tháng 12.2015. Bên cạnh đó là sự chuẩn bị đón đầu hội nhập của doanh nghiệp trong nước thời hậu AEC.
Tại Diễn đàn 2015, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng các nhà hoạch định chính sách đã đối thoại trực tiếp với các CEO để cùng trao đổi về giờ G với những vấn đề nóng hổi về các “luật chơi” mà chúng ta cần nắm bắt trước khi bước vào cuộc chơi mới ở khu vực ASEAN vào cuối năm 2015 này.
Nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn, hội nhập không chỉ là cuộc chơi của doanh nghiệp, mà còn là cuộc chiến “cân não” giữa các quốc gia nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Năm nay, Vietnam CEO Forum chính thức đưa ra thông điệp hành động dành cho CEO cả nước khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Điều này cũng đồng nghĩa với việc 10 quốc gia thành viên trong khu vực sẽ cùng khai thác một thị trường tiềm năng phát triển bùng nổ trong 5-10 năm tới.
Theo một nghiên cứu từ BCG, chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng chiến thắng trong hội nhập. Đây là con số đáng lo ngại so với số lượng doanh nghiệp hiện có trong nền kinh tế, và con số này cũng là rất ít so với tất cả nền kinh tế trong AEC được so sánh.
Xuyên suốt diễn đàn năm 2015, các CEO sẽ nắm bắt thêm kiến thức nhằm nâng cao tư duy chiến lược kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, nhưng rõ ràng để nâng cao năng lực cạnh tranh thì cả quốc gia/Chính phủ và doanh nghiệp đều phải chuẩn bị cho cuối năm 2015 cho việc khởi đầu sứ mệnh của mình với tư duy: Tư duy 90 hay 600? Tư duy nào thì sẽ quyết định chiến lược ấy, hành động ấy.
Ấn tượng đối với Cộng đồng doanh nghiệp sau khi kết thúc diễn đàn là thông điệp “Bộ Tư pháp sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập”. Đây là thông điệp không chỉ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp mà của cả Ngành Tư pháp Việt Nam trong giai đoạn tới, góp phần hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp tham gia các “sân chơi” quốc tế trong thời giai tới.
NCS-Ths. Trần Minh Sơn
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp